Trấn Yên có 20 xã, 1 thị trấn, trong đó huyện từng có 4 xã và 46 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, tình hình kinh tế xã hội ở những thôn, bản, xã này đều đã đổi thay nhờ tập trung xây dựng nông thôn mới đúng hướng.
Đi lên từ gian khó
Xã Minh Quán là một ví dụ điển hình. Do đặc điểm của địa phương là đồng bằng và đồi núi, nên nông nghiệp, nhất là chăn nuôi là thế mạnh của Minh Quán. Để phát triển hiệu quả, xã đã xây dựng mô hình liên kết tạo thành một nhóm hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tiêu biểu là HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Minh Quán đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng khu chăn nuôi tập trung với quy mô 40.000 con gà thịt mỗi lứa.
Bên cạnh chăn nuôi gà tập trung, HTX liên kết với trên 30 hộ dân có kinh nghiệm, thực hiện cùng sản xuất, cùng tiêu thụ sản phẩm. Con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi được thống nhất từ một đầu mối, cùng một lựa chọn giống gà Minh Dư của Bình Định và giống gà Đông Tảo ở Hưng Yên. Thành viên và hộ liên kết cùng sử dụng cám của Tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi Dabaco.
Định kỳ hàng tuần, HTX cử cán bộ kỹ thuật xuống từng hộ dân để kiểm tra tình hình chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật và tiêm phòng theo quy định. Nhờ đó, tổng sản lượng gà xuất bán của HTX đạt trung bình 340-350 tấn/năm, lợi nhuận thu được trên 2 tỷ đồng/năm.
Trên địa bàn xã hiện có tới hơn 30 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn, với số lượng từ 3.000 đến hơn 10.000 con/lứa. Xã có 40 trang trại, nhiều hộ có từ 2 - 3 trang trại giúp nâng cao đời sống của người dân.
Đến năm 2020, số lao động làm phi nông nghiệp của xã là 1.301 người, đạt 42,13%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,55% (năm 2019) xuống còn 2,96% (giảm 34 hộ, tương đương 2,96%), trong đó hộ nghèo thuộc diện người có công với cách mạng là 2 hộ. Minh Quán đã đạt xã nông thôn mới và tiếp tục giữ và nâng cao một số tiêu chí như giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của HTX Hồng Ca giúp người dân nâng cao thu nhập. |
Trên địa bàn huyện Trấn Yên, xã Hồng Ca cũng có những thay đổi mạnh trong quá trình phát triển kinh tế. Để xây dựng nông thôn mới ở xã đặc biệt khó khăn này, ngoài vai trò của cán bộ thì nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế cho người dân là vô cùng quan trọng. Huyện đã hỗ trợ người dân trong xã thành lập HTX chăn nuôi tổng hợp Hồng Ca, HTX dâu tằm Hồng Ca… để giúp nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Nhờ đó, xã đã quy hoạch và phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi thành vùng sản xuất hàng hóa như: vùng tre măng Bát độ với diện tích trên 1.000 ha cho sản lượng măng vỏ tươi hàng năm đạt trên 15 nghìn tấn; vùng trồng quế với diện tích gần 2 nghìn ha; 10 ha trồng trồng dâu nuôi tằm; 86 ha trồng cây ăn quả có múi với sản lượng đạt 200 tấn quả/năm và trên 1.000 ha vùng trồng cây nguyên liệu gỗ. Ngoài ra, xã có 790 con trâu, 75 con bò, gần 3 nghìn con lợn và trên 29 nghìn con gia cầm. Xã cũng đã xây dựng được 1 mô hình chăn nuôi lợn rừng quy mô hàng hóa tại thôn Khuôn Bổ.
Dù gặp không ít khó khăn nhưng đến năm 2020, Hồng Ca đã là xã cuối cùng của huyện Trấn Yên được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 34 triệu đồng (tăng 24,26 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,92%; số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 95,2%.
Tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế
Có thể thấy, thế mạnh trong xây dựng nông thôn mở ở Trấn Yên chính là xây dựng các mô hình HTX để tạo việc làm và hỗ trợ người dân thoát nghèo. Đến nay, huyện đã có những mô hình tiên tiến, đáng để các địa phương lân cận học hỏi như: HTX sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng (xã Bảo Hưng), HTX miến đao Việt Hải Đăng (xã Quy Mông), HTX Quế hồi Việt Nam (xã Đào Thịnh), HTX nông nghiệp dịch vụ Đào Thịnh (xã Đào Thịnh), HTX trồng rau xã Y Can…
Các HTX này đều chú trọng hoạt động sản xuất theo Luật HTX 2012 và đã xây dựng được các sản phẩm OCOP ̣của địa phương như: Chè Bát Tiên (xã Bảo Hưng) đạt 3 sao, Quế điếu thuốc (xã Đào Thịnh) đạt 4 sao, Miến đao (xã Quy Mông) đạt 3 sao…
Các HTX đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới các địa phương khác trong toàn huyện, góp phần tích cực vào hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Quế là một trong những sản phẩm đặc trưng ở Trấn Yên và cũng là cây trồng chủ lực của địa phương. |
Xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp diện mạo nông thôn ở Trấn Yên có sự thay đổi rõ rệt, cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp, hình thành các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu từ vùng thấp đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kinh tế phát triển, thu nhập đời sống của người dân trong huyện đạt bình quân 36,8 triệu đồng/ người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,03%. Bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ.
Huyện Trấn Yên đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện sẽ tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Tùng Lâm