Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ xã Đăk Krong (Gia Lai) chia sẻ, đầu ra của các loại nông sản do các thành viên của HTX trồng như bơ, na, mít thái, sầu riêng... đều gặp rất nhiều khó khăn.
“Hiện, diện tích na, bơ đều có thể thu hoạch nhưng những đơn vị đã mua quen đều từ chối vì dịch bệnh. Chỉ cần vài ngày nữa không bán được, cả vườn na, bơ của thành viên xem như mất trắng”, ông Khương lo lắng.
Tiêu thụ ngày càng chậm
Đang nằm trong vùng giãn cách xã hội, HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (Long An) cũng gặp khó khăn khi sản phẩm chanh của thành viên chưa thể tiêu thụ được. Trước đây, trung bình mỗi ngày, HTX có thể tiêu thụ được khoảng 3 tấn chanh, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ chanh chậm và ngày càng giảm.
Giám đốc Trần Duy Thuận cho biết, dịch Covid-19 khiến cước phí vận tải tăng nhiều lần so với trước, khiến HTX gặp khó khăn khi hàng hóa chậm lưu thông và chi phí sản xuất đội lên cao.
Thực tế cho thấy, mô hình kinh tế tập thể, HTX vốn đã gặp nhiều khó khăn trong kinh tế thị trường, nay lại phải đối mặt với những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nên "khó chồng khó". Theo đánh giá của các tỉnh thành, hầu hết các HTX đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với những mức độ khác nhau.
Việc tiêu thụ chanh của HTX Bến Lức đã giảm 30-40% do tác động của dịch bệnh. |
Phần lớn HTX, tổ hợp tác (THT) công nghiệp, du lịch, vận tải phải giảm sản lượng, làm ảnh hưởng đến doanh thu, thu nhập của thành viên, người lao động. Các HTX nông nghiệp như trồng cây ăn quả, lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, lợn, rau xanh… cũng đang "đứng ngồi không yên" vì đầu ra bị thu hẹp, lượng hàng tồn kho lớn, chi phí đầu vào tăng, trong khi tài chính của HTX và nông dân hạn chế.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 3.000 HTX sản xuất theo chuỗi và liên kết được với doanh nghiệp, phần lớn lượng thực phẩm mà hộ nông dân, HTX, THT sản xuất được thu mua thông qua thương lái... Tức là các HTX, THT chưa chủ động được đầu ra sản phẩm tới hệ thống phân phối, mà vẫn qua trung gian là các lái buôn. Do đó, khi các tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, thương lái ngừng mua khiến hoạt động buôn bán các mặt hàng nông sản bị đình trệ và giảm mạnh.
Hiện, nhiều mặt hàng nông sản của các HTX, THT đang đến kỳ thu hoạch nhưng khâu vận chuyển và bán buôn bị ách tắc.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Đồng Nai) cho biết, việc tiêu thụ chôm chôm của HTX rất nhỏ giọt vì vận chuyển đi tiêu thụ khó, trong khi khả năng cung ứng ra thị trường của HTX là tương đối lớn, khoảng 20 tấn/ngày.
“HTX đã liên hệ với Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai để mong kết nối được với những đơn vị thu mua, từ đó có thể giải phóng bớt số lượng hàng hoá đến kỳ thu hoạch”, bà Nga thông tin.
Còn tại TP Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội cho biết, qua khảo sát, có nhiều HTX trên địa bàn đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. “Hiện, chỉ một số HTX đang làm tốt công tác tiêu thụ vì nằm trong "vùng xanh", nhưng có những HTX không tiêu thụ được vì nằm trong vùng dịch, bị phong tỏa”, ông Phong chia sẻ.
Đẩy nhanh kết nối cung - cầu
Hiện nay, cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể, chợ dân sinh, chợ đầu mới dừng hoạt động khiến việc tiêu thụ nông sản của người nông dân nói chung và của các HTX nông nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Là tổ chức đại diện cho khu vực kinh tế tập thể, HTX, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã vào cuộc tích cực từ rất sớm và triển khai hàng loạt kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ đầu ra, mở cửa thị trường, đảm bảo giá bán nông sản cho các HTX, THT trên địa bàn cả nước.
Trong đợt dịch lần thứ tư này, ngay từ tháng 5/2021, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu tiêu thụ, sản xuất nông sản cho các HTX và vấn đề này đến nay càng được quan tâm hơn.
Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư (trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam) đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác là doanh nghiệp lớn, xuất khẩu, tập đoàn, hệ thống bán lẻ lớn để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nông dân và các HTX.
Bên cạnh việc kết hợp với Liên minh HTX các tỉnh, thành phố mở các điểm bán hàng để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho HTX, THT gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid 19, Liên minh HTX Việt Nam còn hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số cho các HTX để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số.
Thông qua Liên minh HTX các tỉnh thành, Liên minh HTX Việt Nam nắm được những khó khăn vướng mắc của các HTX để kịp thời đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ. Đặc biệt, mới đây, Liên minh HTX Việt Nam đã gửi Văn bản số 504/LMHTXVN-CSPT đến 63 tỉnh, thành đề nghị hỗ trợ các HTX nông nghiệp, vận tải, tiêu dùng và các THT, HTX, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Liên minh HTX các tỉnh thành, các trung tâm xúc tiến thương mại… thực hiện chương trình kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Việc nắm bắt được khó khăn của HTX sẽ giúp quá trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời và hiệu quả hơn. |
Từ đây, đã huy động được nhiều HTX vận tải, thương mại tham gia vận chuyển và tiêu thụ nông sản. Đến nay, đã có những HTX được tạo điều kiện trong tiêu thụ nông sản ngay khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Điển hình như HTX Nuôi trồng thủy sản Tương Lai (huyện Củ Chi, TP.HCM), tính đến ngày 1/8 bị tồn 70 tấn cá rô, cá lóc. Tuy nhiên, khi có Văn bản số 504/LMHTXVN-CSPT của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX TP.HCM và chính quyền địa phương đã trực tiếp hỗ trợ HTX tiêu thụ nông sản.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, khi có đại diện địa phương thu mua thì quá trình vận chuyển, tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn. Hiện, HTX bán cá cho người khu vực phường Hiệp Thành (quận12) bằng cách có đại diện chính quyền địa phương đứng ra làm đầu mối, các tổ dân phố sẽ nhận đơn hàng đăng ký của người dân rồi tập hợp lại gửi cho HTX. Trên cơ sở đó, HTX sẽ giao cá đến địa phương để đưa xuống từng hộ dân.
“Nếu thực hiện theo cách này thì vừa giải quyết được đầu ra cho nông sản, người dân cũng vừa có thêm nguồn thủy sản an toàn với giá cả phải chăng”, bà Lan nói.
Hay như trường hợp HTX gạo Tân Long (Hậu Giang) đã tìm được đầu ra cho mặt hàng trứng vịt và gạo tại TP.HCM nhờ kết nối cung - cầu của các cơ quan chức năng.
Các chuyên gia cho rằng, bài học về tiêu thụ 120.000 tấn vải của Bắc Giang đúng vào thời điểm giãn cách theo Chỉ thị 16 trước đó cũng cần được nhân rộng.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Thúy Dung cho biết, có được thành công này là nhờ tập trung 3 quyết sách mạnh mẽ: Một là, Liên minh HTX tỉnh đã cùng các trung tâm trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam kết nối với nhiều tỉnh để cho xe vận chuyển vải đi qua thuận lợi. Hai là, đẩy mạnh tiêu thụ online trên sàn thương mại điện tử. Ba là, đẩy mạnh xuất khẩu qua các cửa khẩu.
Theo bà Dung, để đảm bảo được lưu thông hàng hóa, cần nhiều Bộ, ban, ngành cùng vào cuộc và vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tại địa phương là nhân tố quyết định hàng đầu. Vì vậy, việc Liên minh HTX Việt Nam kết nối chặt chẽ với các Bộ ngành và các địa phương chính là tạo điều kiện thuận lợi để HTX tiêu thụ nông sản, từ đó từng bước giải quyết bài toán dồn ứ, mất giá nông sản trong mùa dịch.
Huyền Trang