Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Ô Quý Hồ được biết đến là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Nơi đây có khí hậu bán ôn đới với độ ẩm cao quanh năm cùng nền nhiệt thấp nhất trong toàn thị xã Sa Pa, rất thích hợp cho cây su su phát huy đặc tính nguyên chủng và sinh trưởng mạnh mẽ. Có lẽ vì vậy mà dù được trồng ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng hiếm có nơi nào su su xanh tốt và bạt ngàn như ở miền sơn cước này.
Giống su su lưu gốc cho trái liên tiếp trong… 10 năm
Là một trong những đơn vị làm kinh tế tập thể tiêu biểu của tỉnh Lào Cai, HTX Nông nghiệp Hoa Đào Sa Pa (phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa) đã góp phần không nhỏ vào công cuộc nâng tầm thương hiệu su su xứ lạnh và đưa loại nông sản quen thuộc của bà con thôn bản trở thành “lực đẩy” phát triển kinh tế địa phương.
Chính thức được thành lập vào năm 2008 nhưng mô hình sản xuất đã manh nha có từ đầu những năm 2000, trải qua hơn 2 thập kỷ thăng trầm, đến nay HTX đã hoạt động ổn định. Bên cạnh su su là sản phẩm chủ lực, HTX cũng trồng nhiều loại hoa và rau màu theo từng mùa vụ phù hợp trong năm.
Trao đổi với VnBusiness, Giám đốc HTX Đỗ Thị Liên cho biết, những ngày đầu, HTX chỉ có chưa đầy 3ha đất sản xuất cùng 30 hộ thành viên tham gia. Đến nay, HTX đã có tổng diện tích canh tác trên 120ha, thu hút được 150 hộ thành viên. Nếu tính cả những hộ nông dân không phải thành viên HTX thì diện tích thu mua su su của HTX lên đến gần 300ha.
Chị Liên chia sẻ, điểm khác biệt của su su trồng ở Sa Pa so với một số địa phương khác như Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hay Đà Lạt (Lâm Đồng) là loại cây này lưu gốc, có thể cho thu hoạch đến… 10 năm liên tiếp mà không phải trồng lại. Ở nhiều nơi khác, su su là loại cây ngắn ngày và được trồng hằng năm bằng quả giống.
Do phù hợp với đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng khu vực đèo Ô Quý Hồ quanh năm sương mù dày đặc, độ cao trên 1500m so với mực nước biển mà su su ở đây giữ được nguồn gen gốc, thời gian sinh trưởng kéo dài, quả có vị ngọt thanh cùng độ giòn đặc trưng, mùi thơm, thịt chắc và màu xanh sáng rất đẹp mắt.
Sau mỗi mùa thu hoạch, người dân sẽ cắt bỏ các dây su su ở trên giàn, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Su su phát triển rất tốt, cho năng suất cao và không phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích sinh trưởng.
Đưa thương hiệu su su Sa Pa vươn xa
Giám đốc Đỗ Thị Liên cho biết: “Sản phẩm quả su su của HTX Nông nghiệp Hoa Đào Sa Pa đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Lào Cai. Kể từ đó, hiệu quả về giá trị kinh tế mà sản phẩm đem lại cũng tăng cao rõ rệt. Hiện nay, tổng doanh thu qua tất cả các kênh (vận tải, trồng hoa, trồng rau,...) của HTX đạt khoảng 60 - 70 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng với lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 280 triệu đồng/năm”.
Người dân bản địa trồng su su dọc theo sườn núi và bắc giàn theo địa hình của núi. |
Về vấn đề đầu ra tiêu thụ sản phẩm, quả su su của HTX đang được cung cấp chủ yếu cho các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc,... Ước tính sản lượng su su cung ứng ra thị trường mỗi năm đạt khoảng 50.000 tấn.
Đến nay, HTX đã tạo sinh kế ổn định cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, giải quyết việc làm cho khoảng 40% đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Thời gian tới, một trong những kế hoạch quan trọng được HTX tập trung nguồn lực thực hiện nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm là việc kiên cố hóa giàn su su bằng cách thay thế các cột gỗ bằng cột bê tông. Lý do là bởi những năm gần đây, thị xã Sa Pa thường xuyên có mưa tuyết, băng giá, nếu giàn không được kiên cố hóa dễ bị gãy, đổ, tốn nhiều công sức cũng như chi phí khi phải đầu tư lại, chưa kể còn gây nguy hiểm cho người lao động.
Nhìn chung, mô hình sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh của HTX đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Bên cạnh bài toán lợi nhuận thì vấn đề quản lý vùng nguyên liệu cũng được đơn vị chú trọng thực hiện để quả su su đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Đây là yêu cầu tiên quyết của HTX nhằm bảo vệ nhãn hiệu tập thể su su Sa Pa đã được công nhận từ năm 2012.
Không dừng lại ở đó, vài năm trở lại đây, nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa thương hiệu su su Sa Pa, một số hộ thành viên HTX đã nảy ra ý tưởng đưa khách du lịch vào tận vườn trồng để tham quan, trải nghiệm trực tiếp việc thu hoạch nông sản. Đây là hướng đi mới đang được Sa Pa cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước chú trọng khi có thể phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, được xem là “chìa khóa” giúp đánh thức tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tân - thành viên HTX Nông nghiệp Hoa Đào Sa Pa chia sẻ: “Khách du lịch thập phương khi đi tham quan, trải nghiệm nếu có nhu cầu muốn mua su su thì có thể tự tay hái quả trên giàn, số lượng ít nhiều tùy theo nhu cầu từng người. Xu hướng mới bây giờ là khách du lịch cũng thích xuống hái tận vườn hơn hơn là chỉ mua bán đơn thuần như cách thức truyền thống”.
Mong mỏi “bắt nhịp” số hóa
Chia sẻ với VnBusiness, ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cho biết, Liên minh luôn quan tâm, đồng hành với mọi hoạt động sản xuất của các HTX thành viên và đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ.
Su su Sa Pa được cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn trường học, bệnh viện, khu công nghiệp,… ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. |
Chẳng hạn như đã có Quỹ phát triển HTX của tỉnh; công tác đào tạo, tập huấn thường xuyên được tổ chức nhằm giúp các HTX khắc phục khó khăn trong hoạt động;... và đặc biệt là hỗ trợ công tác số hóa ở HTX để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.
Ông Hùng thông tin, từ trước đến nay, xúc tiến đầu tư vẫn luôn là mục tiêu được Liên minh HTX tỉnh Lào Cai chú trọng để hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nếu việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, kinh doanh của các HTX được thực hiện rộng rãi và nhuần nhuyễn.
“Khi đã số hóa, đã đưa sản phẩm lên được các sàn thương mại điện tử thì hàng hóa của HTX sẽ được quảng bá rộng rãi. Qua đó giúp gia tăng độ nhận diện thương hiệu, được thị trường đón nhận tốt hơn, việc sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng cũng dần được cắt bớt”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Song song với những mong mỏi giúp nông dân địa phương mạnh dạn số hóa thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ phía ban lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lào Cai thì ở góc độ đơn vị thành viên, HTX Nông nghiệp Hoa Đào Sa Pa cũng đang ấp ủ những “giấc mơ lớn”.
“Trong tương lai, chúng tôi mong muốn có thể đẩy mạnh ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, cao cấp hơn nữa vào sản xuất nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa các sản phẩm của địa phương vươn ra thị trường quốc tế. Hiện tại, các kênh tiêu thụ chủ yếu ở trong nước nên HTX cũng muốn phát triển và đưa ra thị trường thêm những sản phẩm mới như su sấy khô hay su su muối dưa để xuất khẩu”, Giám đốc Đỗ Thị Liên bày tỏ.
Nguyễn Hòa - Hà Trang