Sa Pa có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp ôn đới như các loại rau, hoa, dược liệu… Đến nay, Sa Pa có gần 300 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát huy thế mạnh
Sa Pả là địa phương có thế mạnh của huyện Sa Pa về xây dựng các thương hiệu sản phẩm rau, quả ôn đới. Hiện tại, phường đang có 2 HTX chuyên canh về các sản phẩm này, đó là HTX Nông nghiệp Mai Anh và HTX rau củ quả Thắng Lợi.
Sa Pa có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh TL) |
Thành lập vào năm 2016, HTX Thắng Lợi đang cho thấy rõ được hiệu quả kinh tế cũng như giá trị môi trường từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nói không với các loại hóa chất độc hại. 100% diện tích dâu tây của HTX được trồng trên giá cách mặt đất 1 m để tránh ẩm mốc, giúp cây khô thoáng và hạn chế nấm, bệnh.
Đặc biệt, việc HTX Thắng Lợi luân canh cây trồng và sử dụng các biện pháp sinh học đã hạn chế dịch bệnh nhưng vẫn khuyến khích và bảo đảm môi trường sống cho những thiên địch có lợi cho sản xuất và môi trường sinh thái.
Bên cạnh các loại rau, củ, quả sạch, điều kiện khí hậu tại Sa Pa cũng khá lý tưởng cho việc trồng các loại hoa. Trên địa bàn thị xã hiện có 3 HTX, doanh nghiệp và 102 hộ đầu tư trồng hoa ứng dụng công nghệ cao như hoa ly, hoa hồng...
Diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa hiện nay đạt trên 168 ha, là địa phương có diện tích ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa lớn nhất tỉnh. Mô hình sản xuất này mang lại doanh thu bình quân 1,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 520 triệu đồng/ha/năm.
Theo tính toán, khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị kinh tế của các mô hình đạt bình quân 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với sản xuất truyền thống.
Việc ứng dụng công nghệ cao cũng đang thay đổi tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn thị xã Sa Pa. Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học độc hại không còn. Người sản xuất chú trọng sản xuất hữu cơ, ưu tiên các loại phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường.
Hóa giải khó khăn
Rõ ràng, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất lớn, tuy nhiên để phát triển loại hình sản xuất này tại Sa Pa cũng còn tồn tại không ít khó khăn.
Sa Pa sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh TL) |
Tuy có lợi thế về khí hậu, nhưng địa hình của Sa Pa lại phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giao thông chưa thực sự thuận lợi nên làm tăng chi phí đầu tư, vận chuyển.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại thị xã Sa Pa hiện khoảng 7 nghìn ha, trong đó có 3,6 nghìn ha ruộng bậc thang 1 vụ, còn lại chủ yếu là đất đồi, dốc, phù hợp với trồng ngô, rau, dược liệu, cây ăn quả.
Do vậy, để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh sản xuất trên diện tích đất tự nhiên, các HTX, doanh nghiệp, người dân cần sản xuất trên giá thể để tận dụng diện tích núi đá, đất bạc màu. Khó khăn lớn nhất của loại hình này là chi phí đầu tư khá tốn kém.
Ngoài ra, để sản xuất mang tính hàng hóa với diện tích đủ lớn là rất khó, bởi đất đai tại Sa Pa manh mún, nhỏ lẻ và người dân lo ngại khi cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất…
Để khắc phục những khó khăn, đại diện Phòng NN&PTNT thị xã Sa Pa cho biết sẽ tiếp tục tạo nhiều cơ chế để thu hút đầu tư của các HTX, doanh nghiệp, tạo điểm tựa cho nông dân.
Quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thị xã sẽ được định hướng phát triển gắn với du lịch để khai thác tối đa thế mạnh về điều kiện tự nhiên.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách, làm đa dạng sản phẩm du lịch của địa phương cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân từ sản xuất nông nghiệp.
Hưng Nguyên