Với tổng diện tích 42ha, HTX Sơn Bình đang tập trung vào sản xuất sầu riêng an toàn và có thể cung cấp ra thị trường trên 1.000 tấn quả tươi/năm.
Không lo dội chợ
Sản xuất sầu riêng VietGAP giúp HTX nhanh chóng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất. Đây cũng là điều kiện giúp trái sầu riêng khi xuất ra thị trường vẫn đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần xây dựng quy trình sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực tại địa phương theo hướng bền vững.
Ông Đậu Dương Trần Nguyễn, Chủ tịch HĐQT HTX Sơn Bình, cho biết lâu nay sản phẩm sầu riêng của địa phương chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái, nên giá cả thường bấp bênh do thương lái ép giá, dẫn đến thu nhập của nông dân chưa ổn định.
![]() |
Sầu riêng của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP giúp khẳng định chất lượng trên thị trường (Ảnh:TL) |
Chính vì vậy, 2 năm trở lại đây, nhằm đáp ứng sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện cho nông dân chủ động có đầu ra ổn định đồng thời giữ vững thương hiệu sầu riêng của địa phương, HTX đã chú trọng sản xuất theo quy trình an toàn Viet GAP và được các doanh nghiệp đến ký hợp đồng cung ứng sản phẩm.
Việc HTX tập trung vào phát triển cây sầu riêng bởi Sơn Bình vốn là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không chỉ phù hợp cho sầu riêng phát triển mà còn giúp tạo hương vị đặc trưng cho sản phẩm. Hơn nữa, với truyền thống sẵn có, HTX có thể đa dạng các giống sầu riêng từ Monthong, Ri6, Chín Hóa, nên đáp ứng được hầu hết nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, từ khi thành lập HTX, các thành viên áp dụng kỹ thuật cho cây ra hoa “lệch pha”, tức là có thể ra hoa, đậu quả trái vụ. Chính vì vậy, mùa sầu riêng sẽ bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Nghĩa là sầu riêng do HTX sản xuất ra thu hoạch muộn hơn sầu riêng ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ khoảng 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng nên không gặp tình trạng “dội chợ”.
Theo Chủ tịch HĐQT Đậu Dương Trần Nguyễn, do ra quả trái vụ nên sản phẩm của HTX luôn được giá và nhiều khi cháy hàng. Sầu riêng của HTX được đánh giá cao vì độ thơm ngon, béo ngậy nên chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, chưa đủ phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Nhờ đó, giá trị kinh tế từ mô hình sản xuất sầu riêng tại HTX được đánh giá cao. Với 1ha sầu riêng trồng khoảng 200 cây, trong 5-6 năm đầu có thể cho năng suất chưa cao nhưng từ năm thứ 7 trở đi có năng suất ổn định, dao động 16-20 tấn/ha. Với giá sầu riêng khoảng 50.000 đồng/kg, doanh thu 1ha có thể đạt 900 triệu - 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí nông dân lãi khoảng 600 triệu đồng.
Thúc đẩy giảm nghèo
Trong quá trình phát triển kinh tế và giảm nghèo ở Sơn Bình, việc đẩy mạnh phát triển các loại cây chủ lực, bao gồm cả cây sầu riêng là hướng đi được chú trọng. Trong đó, việc thành lập HTX cây ăn quả Sơn Bình là hướng đi được chính quyền địa phương ủng hộ khi góp phần lan tỏa ý thức sản xuất theo hướng hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ của người dân.
Hiện nay, không chỉ tập trung sản xuất, HTX Sơn Bình còn đứng ra bao tiêu 100% sầu riêng của thành viên và hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng cho người dân trong xã với giá hợp lý. HTX cũng liên kết với các ngành chức năng, doanh nghiệp nhằm cung cấp giống, vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng cho người dân và thành viên.
![]() |
Sầu riêng là cây giúp người dân giảm nghèo (Ảnh:TL) |
Nhờ đó, nhiều thành viên, hộ dân sau khi trồng sầu riêng đã có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Tại xã đã xuất hiện không ít tỷ phú nhờ bỏ công bỏ sức đầu tư trồng loại trái cây thơm ngon “thượng hạng” này.
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn thay đổi cuộc sống, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có của ăn, của để từ cây sầu riêng. Đây chính là điều kiện để xã từng bước hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. Hiện, Sơn Bình đã là một trong những xã đi đầu trong huyện Khánh Sơn về công tác giảm nghèo. Số hộ nghèo trong xã chỉ còn dưới 20 hộ.
Thời gian tới, chính quyền xã Sơn Bình tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đi đôi với liên kết phát triển diện tích sầu riêng theo hướng bền vững.
Xã cũng tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác dạy nghề cũng như hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác trồng sầu riêng tham gia các hội chợ nông sản nhằm mở rộng đầu ra, cũng như gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương...
Huyền Trang