Mù Cang Chải là một trong 64 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn huyện có 13 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 91%; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác còn lạc hậu.
Nhưng ngược lại, ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng NNPTNT huyện cho biết thổ nhưỡng cũng như khí hậu địa phương rất phù hợp với việc sản xuất rau xanh trên diện tích lớn, nhất là rau trái vụ. HTX T&D ra đời chuyên phát triển rau trái vụ để cung cấp cho các vùng lân cận và cả thị trường ở Hà Nội đã mở ra hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây.
Đầu tư lớn, hiệu quả cao
Ông Phạm Quang Thọ, Giám đốc HTX cho biết: "Trước đây, tôi trồng thử nghiệm ở Háng Gàng, rau trái rất tốt, sản lượng cao. Tuy nhiên, do đường sá đi lại khó khăn nên chi phí vận chuyển từ Háng Gàng tới các nơi rất cao. Vì vậy, tôi quyết định chuyển ra thuê đất ngoài thị trấn tốn khoảng 50 triệu đồng cho 1ha mỗi năm nhưng lại hiệu quả hơn”.
Sản xuất rau trái vụ đã mở ra hướng thoát nghèo cho người dân Mù Cang Chải (Ảnh: Tư liệu) |
Đến năm 2019, ông Thọ liên kết với các hộ dân thành lập HTX và bắt đầu thuê đất mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bước đầu, HTX phải đầu tư khá nhiều để có thể vận hành trơn tru bao gồm: Đầu tư hệ thống tưới tự động khoảng 200 triệu đồng, mua máy cày bừa đất, thuê 5 lao động… Số tiền đầu tư lớn không phải là trang thiết bị máy móc, mà là phân chuồng để duy trì chất lượng của đất.
“Mỗi m2 đầu tư ban đầu tốn 50.000 đồng, vụ đầu làm đất chỉ có hòa hoặc lỗ nhưng những năm về sau sẽ có lãi. Từ khi thành lập HTX tới giờ, tôi bỏ ra khoảng 500 triệu đồng tiền phân trâu, cứ 3 ngày một xe 20 tấn phân trâu chở từ Ngọc Chiến về chừng 500 bao, mỗi bao 20.000 - 25.000 đồng”, ông Thọ cho biết.
Việc đầu tư đã mang lại hiệu quả ngay tức thì khi chỉ trong 7 tháng, HTX có doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Theo Ban giám đốc HTX, số tiền thu về lại tiếp tục tái đầu tư, mở rộng thị trường chứ không phải "bỏ túi".
Hiện, HTX trồng nhiều loại rau, củ, quả xen canh như cải chíp, cải ngồng, cải ngọt, cải Mông, cải thảo, cải Đông Dư, su su, đỗ, cà chua, ớt, su hào, bắp cải, rau cần.... Mùa nào rau đấy nhưng thời tiết ở Mù Cang Chải trồng rau trái vụ rất phù hợp và mang lại hiệu quả cao.
Nâng cao ý thức thoát nghèo
Mọi quy trình sản xuất rau của HTX được thực hiện hoàn toàn sạch. HTX cũng ký kết với các đơn vị thu mua bảo đảm về an toàn thực phẩm nên phía đối tác khá tin tưởng. Hiện, HTX cung cấp rau xanh hữu cơ cho các trường học trường trên địa bàn huyện, các công trường lao động, Khu công nghiệp Thuỵ Vân (Phú Thọ) và một số đại lý rau ở các chung cư tại Hà Nội…
Ông Phạm Quang Thọ (trái) trao đổi kỹ thuật trồng rau trái vụ của HTX (Ảnh: TL) |
Nhờ mô hình sản xuất rau trái vụ của HTX, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải từng bước nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo, chuyển hình thức tự cung tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa. Qua đó, cuộc sống người dân trong huyện đã ổn định hơn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mù Cang Chải giảm được 11,04%, vượt 2,3% kế hoạch đề ra.
Sản xuất rau trái vụ không khó mà còn là hướng giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây. Vì thế, lãnh đạo Phòng NN&PTNT Mù Cang Chải cho biết sẽ hỗ trợ và nhân rộng các mô hình HTX trồng rau hữu cơ; đồng thời sẽ tư vấn về kỹ thuật và hỗ trợ một phần giống, hạt ban đầu cũng như định hướng cho các HTX phấn đấu đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Thu Huyền