Xã Nậm Khắt nằm trên độ cao 1.400m - cao nhất huyện Mù Cang Chải. Người ta ví nơi đây là Sa Pa thứ hai của vùng núi Tây Bắc, “nàng tiên” ngủ trong rừng, nằm giữa đèo Khau Phạ và Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải giáp với xã Ngọc Chiến (tỉnh Sơn La). Thế nhưng không ai lý giải được vì sao cái nghèo vẫn bám riết lấy vùng đất này.
Đánh thức tiềm năng
Ở đây, 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm tới 98%, trình độ dân trí thấp, chuyện học hành của con cái ít được quan tâm. Nhiều đời nay, bà con chỉ biết đến cây ngô, cây lúa, nhà nào khá hơn thì nuôi thêm vài con gà, con vịt và lợn… làm được nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, chưa ai nghĩ đến việc làm hàng hóa đem ra chợ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn còn tới 57% vào năm 2018.
Mô hình trồng hoa của HTX Nậm Khắt (Ảnh: Tư liệu) |
Tháng 10/2016, tại xã Nậm Khắt đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Dự án tổ hợp kinh tế miền núi do CTCP đầu tư thương mại Mù Cang Chải làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất trà sơn tra, trà xanh, nhà máy than sinh học, khu nghỉ dưỡng… tạo việc làm cho 120 lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Sau ngày động thổ, dự án "mất hút không tăm hơi", Nậm Khắt vẫn là vùng đất bị lãng quên, vẫn ngủ trong mây mù và sương khói. Cho đến một ngày, anh Đỗ Xuân Công (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đã tới Nậm Khắt quyết định đầu tư vốn liếng trồng hoa tại đây.
Được chính quyền địa phương quan tâm, người dân ủng hộ trong việc cho thuê đất, anh đã hoàn thành việc thương thảo thuê 10ha đất ruộng một vụ của người dân với giá 35 triệu/ha/năm, thời gian thuê 10 năm trên cánh đồng 30ha được quy hoạch trồng hoa cao cấp ở xã Nậm Khắt. Sau đó, anh kêu gọi thêm 7 người bạn trồng hoa ở các nơi tới đây thành lập HTX Hoa Nậm Khắt, đánh thức vùng đất bao năm ngủ yên, mở hướng thoát nghèo cho người dân.
Thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương
Ông Thào A Páo, Chủ tịch xã Nậm Khắt cho biết: "Khi máy móc tiến hành san ủi, một số hộ dân không hiểu đã ra ngăn cản. Được chúng tôi giải thích, sau 10 năm, HTX không thuê nữa thì ruộng sẽ được trả lại cho dân, nhà có 1.000m2 được nhận lại 1.000m2, không mất mét vuông nào, nhưng ruộng lại bằng phẳng dễ làm. Từ đó, bà con mới yên tâm để HTX san tạo mặt bằng".
HTX giúp người dân chuyển đổi nghề để có thu nhập cao hơn (Ảnh: TL) |
Những ruộng của người dân tại đây đều là ruộng một vụ, cấy giỏi lắm cũng chỉ được hơn 4 tấn/ha. HTX thuê với giá 5 tấn/ha, người dân không phải đầu tư giống, phân bón và công lao động. Ngoài ra, HTX còn thuê họ làm công trên chính mảnh đất của mình với mức 130.000 đồng/người/ngày đã tạo bước đột phá chưa từng có về sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Để đầu tư cho 1ha hoa, số vốn ban đầu HTX bỏ ra khoảng 300-400 triệu đồng. Sau một năm, 1ha thu 200 triệu đồng. HTX trồng các giống hoa cao cấp nhập từ các nước: Pháp, Italia, Trung Quốc… với đủ các loại hoa: Hồng, cúc, ly, lay ơn… đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường.
"Khi chưa có HTX, hàng năm mỗi ha lúa gia đình tôi thu về 30 triệu đồng, nay HTX thuê 35 triệu đồng/ha/năm, tôi lại được làm công nhân cho HTX mỗi tháng cũng được trả 3- 4 triệu đồng, cuộc sống khá hơn nhiều rồi”, chị Giàng Thị Ca - người lao động trong HTX chia sẻ.
Anh Đỗ Xuân Công, Giám đốc HTX cho biết đến nay, HTX đã trồng được 3ha, đất làm xong đến đâu trồng hoa ngay đến đó. Ngoài diện tích 10ha mà HTX thuê của dân, nếu hộ nào trong khu đồng này muốn trồng hoa thì HTX sẽ cung cấp giống, kỹ thuật và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho họ. HTX giúp người dân chuyển đổi nghề để có thu nhập cao hơn, bởi với đồng đất này chỉ trồng lúa thì suốt đời vẫn cứ nghèo.
Từ cách làm của HTX, nhiều gia đình đã thoát nghèo ngay trên chính quê hương mình - điều mà bấy lâu nay nhiều người vẫn tưởng chừng không thể.
Thu Huyền