Một trong những chiến lược được huyện Chợ Đồn triển khai trong xây dựng nông thôn mới là thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Cụ thể, huyện chú trọng tập huấn, nâng cao trình độ nhân lực, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo mọi điều kiện về vốn, đất đai, thị trường cho HTX.
Hoàn thiện tổ chức sản xuất
Thống kê cho thấy, đến nay huyện Chợ Đồn có khoảng 42 HTX, gần 20 tổ hợp tác (THT). Các đơn vị đang chủ động triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa chủ lực, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thành công các sản phẩm tiêu biểu.
Các HTX đã có những chuyển biến tích cực trong tổ chức, hoạt động. Nhiều HTX đã trở thành cầu nối trong thực hiện các chủ trương của Nhà nước, cung ứng các dịch vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Điển hình như rau su su của HTX Phia Khao (thôn Phia Khao, xã Bản Thi), quýt Rã Bản của HTX Toàn Thắng (thôn Khuổi Giả, xã Đồng Thắng), gạo Bao thai và gạo Japonica của HTX Hoàn Thành (thôn Nà Làng, xã Phương Viên), măng khô của HTX Cao Phong (thôn Bản Eng, xã Xuân Lạc), hồng không hạt của HTX Tân Phong (thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch)…
Các HTX thúc đẩy sản phẩm thế mạnh góp phần xây dựng nông thôn mới ở Chợ Đồn (Ảnh: TL). |
Hiện nay, hồng không hạt đang là một trong những sản phẩm thế mạnh của huyện Chợ Đồn với tổng diện tích trên 169 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 112ha, năng suất bình quân 45 tạ/ha, sản lượng 504 tấn/năm.
Để phát huy những lợi thế của địa phương, HTX Tân Phong (xã Quảng Bạch) được thành lập và trở thành đơn vị điển hình trong sản xuất hồng không hạt trên địa bàn huyện. Nhờ phát triển sản xuất an toàn, đảm bảo tốt các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, tháng 8/2017, hơn 3 ha hồng không hạt của HTX được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Chứng nhận sản xuất an toàn đã mở ra cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho cây hồng không hạt tại địa phương. Hồng của HTX đang là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Nhờ vậy, các HTX, THT đang góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chợ Đồn, thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Hoàn thành mục tiêu nông thôn mới
Năm 2025, Chợ Đồn nằm trong kế hoạch của tỉnh về đích huyện nông thôn mới, tính đến nay đã có 5 xã về đích nông thôn mới là Yên Thượng, Yên Thịnh, Nghĩa Tá, Phương Viên, Đồng Thắng, hiện nay đang chờ tỉnh thẩm định các tiêu chí đối với 2 xã là Ngọc Phái và Quảng Bạch.
Với thời gian 3 năm, 19/19 xã của huyện Chợ Đồn phải hoàn thành tiêu chí nông thôn mới vào năm 2025. Căn cứ vào tình hình thực tế, huyện Chợ Đồn phấn đấu mỗi năm sẽ có 4 xã về đích nông thôn mới.
Để bảo đảm lộ trình, huyện tiếp tục nhấn mạnh vai trò của việc hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất. Cụ thể, thời gian tới, huyện dự kiến triển khai các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lợn bản địa; liên kết sản xuất nấm sò, trồng cây dược liệu (xã Đồng Thắng); dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ khoai tây; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (xã Nam Cường)…
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để THT, HTX trong thời gian tới tiếp tục nâng cao năng lực điều hành trong quản lý, đổi mới phương thức kinh doanh, mẫu mã, nhãn mác sản phẩm. Duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện giao cơ quan chuyên môn tham mưu, lập báo cáo đánh giá, đưa ra các giải pháp với những tiêu chí chưa hoàn thành. Đồng thời sẽ tiến hành đi kiểm tra tại 4 xã nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới nhằm xem các bước thực hiện tới đâu, các giải pháp cho từng tiêu chí.
Tiếp đó là đẩy mạnh phát triển sản xuất với trọng tâm là phát triển nông nghiệp gắn với tái nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển các sản phẩm OCOP. Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Về nguồn lực, ngoài vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện sẽ cân đối thêm ngân sách của địa phương để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp các nhà văn hóa thôn, thiết chế văn hóa cơ sở, đường giao thông nông thôn.
Năm 2023, Chợ Đồn được phân bổ hơn 60 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 56 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 5 tỷ đồng hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển sản xuất, cải thiện môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa. Các danh mục cần đầu tư chủ yếu là xây dựng trường học, đường điện, nhà văn hóa xã, thôn, thủy lợi…
Mỹ Chí