Xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn từng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên chỉ sau hơn 5 năm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới, vùng đất này hiện có tới 4 sản phẩm OCOP được chứng nhận.
HTX ghi dấu ấn
HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Sơn đang là một trong những điển hình trong xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.
Không chỉ khai thác tốt thế mạnh cây chè chủ lực, tạo ra những thương hiệu chè sạch chất lượng cao như chè sạch Bình Sơn, trà xanh túi lọc Bình Sơn…, HTX còn xây dựng thành công thêm 2 sản phẩm đặc trưng gồm mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất và trà cà gai leo túi lọc Bình Sơn.
Giám đốc Lê Đình Tú cho hay, vùng nguyên liệu chè của HTX và địa phương thời gian qua liên tục được mở rộng từ 250 ha lên gần 300 ha, sản lượng chè đã đạt 7,2 tấn búp/ha, giá thu mua chè búp tươi tăng gần gấp đôi, chè búp khô tăng từ 2 - 2,5 lần. Giá sản phẩm mật ong bốn mùa tăng gấp 1,5 lần.
Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đang có chuyển biến tích cực với những đóng góp của các HTX (Ảnh: TTV). |
Để xây dựng thành công chuỗi sản xuất như hiện tại, HTX đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ địa phương. Khi khởi nghiệp, HTX nhận được 300 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ mô hình sản xuất.
UBND xã Bình Sơn cùng HTX cũng hỗ trợ các nhóm hộ mua 50 máy chế biến chè, thay thế phương thức sao sấy chè thủ công; cấp nước sinh hoạt hỗ trợ các cụm dân cư, khoan 100 giếng, tạo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đầu tư hệ thống bơm tưới tự động.
Đặc biệt, chính quyền và HTX quán triệt đến nông hộ không sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng. Ngoài ra, HTX hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè, thỏa thuận, công khai phương thức, giá thu mua, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP. Mô hình cứ thế được nhân rộng, lan tỏa, thu nhập của người dân trồng chè ổn định, đời sống được bảo đảm.
Theo thống kê, Thanh Hóa hiện có hơn 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có gần 500 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 65,42% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn tỉnh cũng có trên 280 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước, công nghệ sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới, công nghệ sản xuất gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…). 35 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 48 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.
Nông thôn mới làm nền tảng
Có thể thấy khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang trở thành một trong những “ngòi nổ” thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa.
Năm 2022, với những đóng góp tích cực của các HTX, tổ hợp tác, tỉnh Thanh Hóa đã vượt kế hoạch xây dựng thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu với trên 85 đơn vị được công nhận đạt chuẩn kiểu mẫu so với 60 thôn, bản theo chỉ tiêu đề ra.
Cũng trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng thành công 174 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, vượt hơn 60% kế hoạch. Trên cơ sở đó, tỉnh đặt mục tiêu năm 2023 sẽ có thêm 120 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Về mục tiêu chung, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm 1 huyện, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã và 60 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt mục tiêu, tỉnh đã sớm lựa chọn những đơn vị, địa phương có đủ điều kiện, tiềm năng để xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện. Xác định tiêu chí phát triển sản xuất, tăng thu nhập là một trong những nội dung trọng tâm và khó thực hiện, nên các địa phương đã và đang tập trung cao cho việc xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế mới; phát triển ngành nghề nông thôn, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống.
Bên cạnh đó, các thôn, xã đang tiếp tục vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông. Ủng hộ ngày công lao động thực hiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan, nhà cửa, khu dân cư…
Đến thời điểm này, các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới năm 2023 của tỉnh đã cơ bản đạt từ 15 - 16 tiêu chí. Các tiêu chí chưa hoàn thành đều thuộc về công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, nhiều huyện đã chủ động, tích cực khai thác các nguồn lực tại chỗ, đồng thời có những chính sách hỗ trợ kích cầu cho các xã, thôn thực hiện.
Mỹ Chí