Với vai trò nòng cốt của KTHT, nhiều năm qua các HTX đã đóng góp tích cực cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, vai trò của HTX quan trọng hơn trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội.
Bức tranh đối lập
Về Châu Thành (Long An) ngày đầu tháng 10/2018, dọc theo con đường đất đang xây dựng dở là bạt ngàn thanh long đang vào mùa thu hoạch.
Từ 10 năm nay, Châu Thành đã trở thành vùng chuyên trồng thanh long tại các tỉnh phía Nam, với sản lượng chỉ sau Bình Thuận. Tuy nhiên, cùng với sản lượng gia tăng thì cũng xảy ra hiện tượng bị thương lái ép giá, giá không ổn định vì phải phụ thuộc đầu ra…
Sau những biến cố thăng trầm của thị trường, ông Trương Quang An đã vận động các gia đình trồng thanh long trên địa bàn thành lập HTX Thanh long Tầm Vu. Ban đầu, HTX chỉ có 13 thành viên và số vốn ít ỏi 250 triệu đồng. Đến nay, HTX đã có 40 thành viên với diện tích canh tác của thành viên đã tăng từ gần 20 ha lên 90 ha, trong đó 70 ha đang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu Trương Quan An bên lô hàng xuất khẩu |
Cùng với đó, HTX đã từng bước xây dựng thương hiệu trái thanh long đúng với thế mạnh của địa phương. Nhất là sau khi được Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam khảo sát và cho vay 2 tỷ đồng, HTX Tầm Vu đã đầu tư nhà xưởng chế biến và từng bước xuất khẩu thanh long sang các thị trường nước bạn.
Riêng năm 2017, HTX đã đóng gói xuất khẩu trên 8.000 tấn thanh long cho các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Mỹ...
Đến nay, thanh long Tầm Vu đã trở thành thương hiệu có tiếng. Giá bán thanh long của thành viên được nâng lên so với khi còn sản xuất riêng lẻ, luôn cao hơn giá thị trường, có lúc tới 1.000 - 2.000 đồng/kg, giúp thành viên tránh được những biến động "được mùa - mất giá".
Sau 6 năm kể từ khi được vay vốn, doanh thu HTX đã đạt tới 35 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 80 - 100 lao động với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập của các thành viên HTX vào khoảng 500 triệu đồng/năm…
Cũng có nhu cầu vay vốn như HTX Tầm Vu, nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức lại không nhận được vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Nguyên nhân chỉ vì nguồn lực của Quỹ hạn chế, nên không đủ để hỗ trợ thêm cho các HTX đang làm ăn hiệu quả, nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Anh Trần Văn Thuận - Giám đốc HTX Bến Lức, cho biết hiện HTX có 50 ha chanh không hạt, nhưng thiếu nhà xưởng sơ chế và kho lạnh bảo quản nên đành phụ thuộc khâu tiêu thụ vào thương lái.
Anh Thuận cũng đã tìm đến các ngân hàng tín dụng để hy vọng có thể vay vốn, nhưng bị các ngân hàng lắc đầu, bởi đây là HTX kiểu cũ.
Do vậy, anh Trần Văn Thuận chờ đợi một ngày nào đó, khi Quỹ Hỗ trợ phát triển được tiếp thêm nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, chanh không hạt của HTX sẽ không còn cảnh sáng thu hái chiều chờ thương lái đến mua.
Nếu vay được vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, anh Trần Văn Thuận khẳng định chắc chắn HTX sẽ phát huy rất tốt và tạo sự lan tỏa của mô hình.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - Nguyễn Mạnh Cường |
Eo hẹp nguồn vốn
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, hiện nay chưa đến 20% các HTX có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng rất hạn chế, chỉ 0,5% trên tổng số hơn 20.000 HTX có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các HTX nông nghiệp.
Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết đó là do các HTX không có tài sản để thế chấp khi vay vốn. Mặt khác, một số HTX có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng không được ngân hàng cho vay vốn, vì không bảo đảm tính pháp lý.
Xuất phát từ việc thiếu tài sản bảo đảm, nhiều HTX cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh hoặc thuê dịch vụ.
"Quỹ Hỗ trợ HTX là kênh duy nhất cung cấp nguồn tín dụng, giúp các cơ sở KTHT, HTX tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy, nếu coi các HTX như "bà đỡ" để giúp phát triển KTHT, hỗ trợ nông dân, thì Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là "dòng máu" để lưu thông các hoạt động, cũng như phát triển hiệu quả.
Tuy nhiên, từ 10 năm nay, vốn điều lệ của Quỹ vẫn chỉ ở mức 100 tỷ đồng. Những năm gần đây, Quỹ gần như không còn nguồn vốn để cho vay, chỉ thu hồi dần vốn gốc để cho vay tiếp. Vì vậy, dù rất nhiều hồ sơ đủ điều kiện vay vốn nhưng Quỹ đành phải… đợi thu hồi gốc để cho vay tiếp.
Hiện tại, Liên minh HTX Việt Nam đã có đề án trình Chính phủ và đề xuất bổ sung vốn theo lộ trình, cũng như đề ra phương án làm sao sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Nếu được Nhà nước cấp vốn bổ sung, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ phát huy hết vai trò là kênh hỗ trợ cho các HTX đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Thông qua đó, giảm tình trạng vay nặng lãi tạo nền tảng, mở rộng đối tượng vay và đáp ứng nhu cầu vốn lớn của HTX ngay cả ngắn hạn và trung hạn để khu vực KTHT phát triển mạnh và bền vững.
Hồng Nhung