HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực thành lập năm 2018 với 35 thành viên, vốn điều lệ 150 triệu đồng. HTX đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mắc ca, sachi, cung cấp cây giống, mua bán nông sản, kinh doanh phân bón, chế biến và bảo quản nông sản.
Tăng giá trị nông sản nhờ chế biến
Từ năm 2015, người dân xã Quảng Trực đã chuyển dần sang trồng các loại cây như sachi, mắc ca. Đến nay, những loại cây trồng này đã khẳng định được chỗ đứng, vì không cần nhiều nước và công chăm sóc nhưng vẫn đảm bảo được giá trị kinh tế khá cao. 1ha đất đồi trồng cây mắc ca có thể giúp người dân thu về khoảng 200 triệu đồng, cây sachi là 140-180 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí.
Điều thuận lợi là hiện nay, sản phẩm của người dân đều được HTX Quảng Trực thu mua, bao tiêu toàn bộ. Cán bộ kỹ thuật của HTX cũng thường xuyên đến vườn hướng dẫn kỹ thuật giúp thành viên và người dân phòng trừ sâu bệnh theo từng giai đoạn phát triển của từng loại cây.
Nhận thấy giá trị của cây mắc ca và sachi, HTX không chỉ dừng ở việc thu mua sản phẩm tươi để bán cho doanh nghiệp, mà còn đầu tư máy móc phục vụ chế biến. Hiện, HTX đang tập trung phát triển sản phẩm mắc ca và sachi sấy tách vỏ. Theo ban giám đốc HTX, lúc đầu HTX gặp không ít khó khăn do phải mày mò, tìm kiếm máy móc để tách nứt hạt, máy móc chưa đồng bộ nên sản phẩm bị vỡ vụn, không đảm đảm chất lượng.
Sau khi chế biến, giá của quả mắc ca sẽ cao hơn nhiều lần so với bán tươi. |
Sau thời gian tìm hiểu và nhận được sự hỗ trợ của một số đơn vị, HTX đã đầu tư lại hệ thống máy tách vỏ, máy sấy, máy đóng gói. Sản phẩm hạt mắc ca và sachi của HTX tuy mới ra đời được một năm, nhưng bước đầu đã được thị trường đón nhận. Hiện tại, HTX đã mở 6 cửa hàng tại Đắk Nông và các trung tâm lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM…
Theo tính toán, khi qua khâu chế biến, tách vỏ, trung bình 1ha sachi có thể lãi thêm 80-100 triệu đồng, còn mắc ca có thể lãi thêm 120-140 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các loại cây chủ lực khác. Với lợi thế đó, HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng cây sachi tại địa phương. Đến nay, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu với 20ha sachi, gần 100ha mắc ca của thành viên.
Phát huy nội lực, xây dựng NTM
Là một mô hình kinh tế hợp tác chủ lực của xã, HTX Quảng Trực đã được địa phương đánh giá cao khi đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới từ việc giúp người dân từng bước tiếp cận với mô hình sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, phủ xanh đất trống đồi trọc…
Đặc biệt, sản phẩm mắc ca M’nông của HTX khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được đánh giá xếp hạng 3 sao và là sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Theo lý giải của Ban giám đốc, hiện nay, HTX có 120 hộ đồng bào dân tộc M’nông liên kết trồng mắc ca. Vì vậy, HTX đã chọn đặt tên sản phẩm hạt mắc ca M'nông để xây dựng thương hiệu. Khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm của HTX không chỉ tìm được chỗ đứng trên thị trường, mà giá trị lao động của bà con cũng được khẳng định.
Hiện tại, HTX đang có kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất trong tỉnh và liên kết với một số doanh nghiệp để xuất khẩu. Tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP giúp HTX thấy được những mặt hạn chế của sản phẩm, cơ sở pháp lý, sở hữu trí tuệ, bao bì, mẫu mã… để định hướng phát triển.
Phát triển vùng nguyên liệu mắc ca là một hướng đi chính trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trực. |
Theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Trong đó, ưu tiên phát triển HTX để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, việc HTX Quảng Trực có sản phẩm OCOP đã và đang tích cực tập hợp nông dân tham gia vào kinh tế hợp tác, từ đó mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Là một trong những xã khó khăn của huyện Tuy Đức, nhưng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đến nay, Quảng Trực là một trong những xã đi đầu trên địa bàn huyện có số tiêu chí nông thôn mới đạt cao nhất, với 14/19 tiêu chí.
Hiện, xã tập trung phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp đi đôi với tạo điều kiện cho mô hình HTX phát triển, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Hy vọng rằng, khi xác định được hướng đi cụ thể, xã sẽ về đích nông thôn mới đúng hẹn vào năm 2022.
Như Yến