Phát triển kinh tế vườn cũng là thế mạnh của Vĩnh Thủy khi vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, vừa cải tạo cảnh quan. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp.
Thực hiện tiêu chí “vườn hộ”
Theo Ban giám đốc HTX Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy, diện tích vườn tạp với những loại cây có giá trị kinh tế thấp nay đã được thay thế bằng những cây cho giá trị kinh tế cao hơn. Điều này cũng giúp xã hoàn thành tiêu chí “vườn hộ” trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đó, tiêu chí này yêu cầu địa phương phải bảo đảm được 3 nội dung trong quá trình thực hiện. Thứ nhất, phải có ít nhất 30% vườn hộ có hệ thống tưới tiêu khoa học hoặc có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Thứ hai, vườn hộ phải được quy hoạch khoa học, hiệu quả, có sản phẩm hàng hóa. Thứ ba, giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, HTX Tây Vĩnh Thủy cùng các cấp, ngành tích cực hỗ trợ người dân mua giống, lắp hệ thống tưới nước và áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGAP.
Bưởi da xanh là một trong những cây trồng được người dân lựa chọn trồng trên diện tích vườn tạp trước đây. |
Ông Lê Văn Quang, thôn Thủy Ba Tây, cho biết trên diện tích 2 sào đất vườn ông chuyển sang trồng bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ... Quá trình trồng, chăm sóc, tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất sản phẩm sạch mà HTX hướng dẫn, từ đó tạo ra những nông sản an toàn, dần có chỗ đứng trên thị trường.
Chủ trương cải tạo vườn tạp đã thực sự tạo được “luồng gió mới”, giúp nhiều hộ chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Toàn xã hiện có 50 ha cây ăn quả các loại. Đặc biệt, mô hình HTX đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ nhân dân, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Hiện, HTX Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh và lúa sạch.
Có thể thấy, sau khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã xác định việc cải tạo vườn tạp là cần thiết. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, với quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xã Vĩnh Thủy tiến hành quy hoạch các vùng đất để phát triển các loại cây trồng, con nuôi phù hợp. Đồng thời phối hợp tốt với các chương trình, dự án để chuyển giao các tiến bộ KHKT đến với người dân.
Hiện, chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đang được nhiều hộ dân quan tâm thực hiện. Nhiều giống cây trồng mới đã được đưa vào trồng thành công, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân, góp phần quan trọng vào quá trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Thủy.
Vai trò của HTX
Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài nhằm nâng cao đời sống nhân dân và cải thiện diện mạo làng quê. Xã Vĩnh Thủy cũng giống như nhiều vùng nông thôn khác đó là việc tổ chức sản xuất chủ yếu do HTX đứng đầu. Chính vì vậy, xã rất coi trọng phát triển các mô hình HTX hoạt động hiệu quả.
Ngoài HTX Tây Vĩnh Thủy, HTX nông nghiệp Đức Xá cũng đang nổi lên là mô hình HTX kiểu mới sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện, HTX thực hiện sản xuất lúa hữu cơ đồng thời liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa cho các thành viên trực tiếp tại ruộng. Nhờ đó, những lo lắng về chuyện không có chỗ phơi, khu vực bảo quản thóc hay chuyện được mùa mất giá đã lùi lại phía sau.
Người dân thu được "thành quả" ngay tại ruộng khi HTX nông nghiệp Đức Xá liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho diện tích lúa theo hợp đồng ký kết. |
Từ hiệu quả thực tế, người dân Vĩnh Thủy đã nhận thấy được giá trị của việc sản xuất tập trung. Mọi người đã chủ động tham gia hoặc đứng lên thành lập các mô hình kinh tế hợp tác. Đến nay, xã đã có 6 HTX và 2 Tổ hợp tác.
Điểm thuận lợi là các HTX trên địa bàn đều sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp nên công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất gắn với loại hình dịch vụ nông nghiệp và phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Các HTX, Tổ hợp tác góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, từ đó giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Huyền Trang