Ông Trần Trọng Tuấn, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng là chủ trương xuyên suốt của quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Đẩy mạnh chuyển đổi HTX số trong xây dựng NTM
Để làm được điều này đồng thời hướng đến chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, Quảng Trị định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số.
Trong xây dựng NTM, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. |
Quảng Trị cũng tập trung xây dựng dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng hàng hóa.
Dù công cuộc chuyển đổi số ở địa phương mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng cũng đã cho thấy hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp khi thúc đẩy nâng chất NTM, từ đó hướng đến xây dựng NTM thông minh, hiện đại.
Tại HTX Kim Long (huyện Hải Lăng), các thành viên tuy gắn bó với cây lúa trong nhiều năm liền nhưng vẫn tìm thấy niềm vui trong sản xuất nhờ HTX liên kết với doanh nghiệp đưa thiết bị máy bay không người lái (drone) vào để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Việc này vừa giải quyết được bài toán thiếu lao động phun thuốc trừ sâu, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đầu năm 2023, 15 tấn gạo hữu cơ của HTX Kim Long và nông dân tỉnh Quảng Trị đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu với giá 1.800 USD/tấn. Tiếp nối mối liên kết với doanh nghiệp, mỗi tháng, HTX và các mô hình sản xuất khác có khoảng 30 - 50 tấn gạo hữu cơ xuất khẩu sang châu Âu. Đây chính là niềm tin để HTX Kim Long và các HTX khác tiếp tục chuyển đổi số, mở rộng sản xuất lúa và gạo hữu cơ xuất khẩu.
Đặc biệt, nhận thấy lợi ích của drone trong phát triển ngành lúa gạo hàng hóa, huyện Hải Lăng còn hỗ trợ mỗi HTX trồng lúa xây dựng một điểm phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Huyện cũng đang tích cực hỗ trợ các HTX trong việc mua loại phương tiện này cũng như đào tạo cán bộ vận hành để chủ động sản xuất lúa và các loại cây trồng khác.
Không chỉ ở Hải Lăng, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh đã tận dụng lợi thế của điện thoại thông minh và thông qua ứng dụng Zalo quét QR để biết và kiểm tra được các thông tin về loại cây trồng, quy trình chăm sóc cây trồng- vật nuôi... Đặc biệt, khi các HTX có sản phẩm cần bán, thành viên có thể chụp ảnh, quay video, khai báo số lượng để đăng lên mạng xã hội hoặc đăng lên nhóm quản lý của HTX để HTX biết thu mua hoặc giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.
Ngành nông nghiệp luôn đi đầu trong chuyển đổi số
Theo ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý nhà nước. Đồng thời, từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất đối với các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng số hóa, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, từ đó tạo động lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.
“Nỗ lực trong xây dựng NTM thông minh cũng là quyết tâm cao của tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, tỉnh cũng đã tiếp tục đẩy mạnh tập huấn về chuyển đổi số cho các địa phương, phát huy vai trò của “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại cấp xã và thôn xóm, nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, ứng dụng của internet vào đời sống nhân dân tại nông thôn”, ông Phan Văn Phước chia sẻ.
Tỉnh Quảng Trị đã đưa nội dung về công nghệ số trong NTM thành một nội dung trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2020 - 2025. |
Tại HTX nông nghiệp Tân Lập (Hướng Hóa), Chị Hoàng Thị Phương, hộ tham gia liên kết với HTX nông nghiệp Tân Hợp, cho biết từ khi liên kết với HTX, chị được tham gia các lớp đào tạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và bán hàng, trong đó có mặt hàng chanh leo. Đến nay, chị không còn thấp thỏm lo âu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm hay rơi vào cảnh "được mùa, mất giá" như thường thấy.
Bà Lê Thị Huệ, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hợp cho biết, thông qua các dữ liệu kết nối, nhật ký canh tác trực tuyến cung cấp đầy đủ thông tin về các giai đoạn sản xuất, các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, số lần và liều lượng dùng, thời gian cách ly, thu hái… giúp người tiêu dùng có thể so sánh, kiểm chứng giữa thông tin và hình ảnh sản phẩm, góp phần kết nối, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.
NTM thông minh sẽ biến những miền quê thành nơi đáng sống
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, chuyển đổi số được xem là giải pháp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sinh thái, có hiệu quả cao, hướng đến NTM hiện đại, thông minh. Mô hình chuyển đổi số đang được triển khai, nhân rộng nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.
Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM (cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; giai đoạn 2020-2025 là một huyện) và có một huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Có ít nhất trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Muốn đạt mục tiêu đó, trước hết, các địa phương cần phấn đấu đẩy mạnh và hoàn thành tiêu chí NTM thông minh.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã đưa nội dung về công nghệ số trong NTM thành một nội dung trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2020 - 2025. Hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G.
Minh Thành