Ông Nguyễn Nam Cường, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Phú Thọ cho biết, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào xây dựng NTM là nội dung quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Dấu ấn của KH&CN đã và đang thể hiện rõ nét trong các quy hoạch xây dựng NTM, cũng như thành quả của việc áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn.
Phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao
Mô hình nông nghiệp CNC của HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông là một trong những điển hình ở tỉnh Phú Thọ về việc áp dụng CNC vào sản xuất và tiêu thụ. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, tăng thu nhập và góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho người dân.
Nhiều HTX ở Phú Thọ đã ứng dụng khoa học và công nghệ, hoạt động có hiệu quả, góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. |
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Giám đốc HTX chia sẻ, đi vào hoạt động từ năm 2015 với số vốn vay ban đầu hơn 400 triệu đồng, HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên đầu tư xây dựng nhà lưới hơn 1.500m2.
Sau một thời gian ứng dụng hiệu quả mô hình, đến nay, HTX đã mở rộng thành 3 nhà màng với tổng diện tích hơn 7.000m2, vốn đầu tư gần 4 tỉ đồng. Hệ thống nhà màng góp phần không nhỏ trong việc tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích, tiết kiệm khá nhiều chi phí đến nhân công lao động.
Do có hệ thống lưới bao quanh nên nhà màng ngăn được côn trùng xâm nhập, hạn chế việc sâu, côn trùng phá hoại, rau, quả, gần như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên giảm công chăm sóc. HTX cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào tiêu chí phát triển sản xuất trong xây dựng NTM của địa phương.
Ông Mạnh cho biết thêm, các loại cây có giá trị kinh tế cao được lựa chọn là: Dưa lê, dưa chuột, măng tây, ổi, các loại rau, củ, quả theo mùa. Mô hình được áp dụng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới nhỏ giọt của Israel, tưới phun mưa. Đây là hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhất được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm được tối đa chi phí, tránh lãng phí. Quy trình canh tác tại đây đều được tuân thủ nghiêm ngặt từ chọn giống, làm đất, gieo trồng, ươm hạt tới chăm sóc. Nhờ đó, cây trồng phát triển xanh tốt. Đặc biệt, việc canh tác trong nhà lưới không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu giúp chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục tình trạng mất mùa vụ.
Ông Phan Nguyên Toại - Chủ tịch UBND xã Hương Nộn đánh giá, đây là một trong những HTX tiên phong đi đầu của tỉnh cũng như của huyện trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp và đã được công nhận sản phẩm OCOP. Các sản phẩm của HTX tạo ra với thương hiệu sạch, an toàn, hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Mô hình của HTX đang được nhiều HTX khác trong tỉnh học tập, làm theo.
“Xã Hương Nộn về đích NTM từ năm 2016, đến nay, xã đang nỗ lực xây dựng các tiêu chí về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, hiệu quả hoạt động của HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM”, ông Toại nói.
Nông nghiệp CNC góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Còn tại huyện Lâm Thao, HTX rau an toàn xã Tứ Xã có diện tích nhà màng 1.020 m2, cả hai mô hình nhà màng được xây dựng thiết kế hiện đại hoàn thành phù hợp cho việc ứng dụng các trang thiết bị sản xuất CNC như hệ thống lưới cắt nắng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, bộ quản lý dinh dưỡng (châm phân) cho cây trồng, quạt đối lưu, quạt đuổi côn trùng…
Nhiều HTX đã ứng dụng CNC vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Anh Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã cho biết, để nâng cao chất lượng, HTX đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho các loại rau ăn củ, quả như cà chua, củ cải, đậu cô ve, bí, mướp và lắp hệ thống phun mưa cho diện tích rau lấy lá (rau cải, mồng tơi, rau muống…) và rau gia vị. Hệ thống tưới nước hiện đại giúp HTX bảo đảm lượng ẩm cần thiết cho rau, tiết kiệm nhân công và chi phí.
Mô hình sản xuất của HTX không chỉ mang lại giá trị gia tăng cho nông sản mà còn góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, khi tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm các khâu từ sản xuất, sơ chế đến đóng gói bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ chia sẻ, thực hiện kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, Sở NN&PTNT đã xây dựng một số mô hình trong chương trình NTM với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN để làm ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao phục vụ nhu cầu xã hội cũng như là đòn bẩy để nông dân, HTX đầu tư vào nông nghiệp hướng đến một ngành nông nghiệp khoa học, bền vững, phát huy lợi thế và tiềm năng của tỉnh.
“Trong quá trình xây dựng NTM ở tỉnh Phú Thọ, các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp không chỉ có vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết, bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn”, ông Tuấn cho hay.
Đoàn Huyền