Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nghệ An cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có 230/411 xã đạt chuẩn, đạt 72,74%, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 5,02%; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,81% và hộ cận nghèo là 6,61%.
Đẩy mạnh vai trò HTX nông nghiệp CNC
Thời gian qua, vai trò của các HTX nông nghiệp CNC tại các địa phương trong tỉnh đã góp phần to lớn đối với việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn và thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm hộ nghèo ở các xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn.
Phát triển HTX ứng dụng CNC đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. |
“Nghệ An luôn tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia thành lập HTX nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra”, ông Nguyễn Văn Hằng chia sẻ.
Tại HTX Dịch vụ nông sản hữu cơ CNC Vfesh Gadrden, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, sau khi xây dựng nhà màng, sản xuất các loại cây rau, quả cho hiệu quả kinh tế cao, HTX tiếp tục mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông minh để tự động hóa các khâu chăm sóc cây trồng.
Anh Nguyễn Văn Đạt - Giám đốc HTX chia sẻ, trước đây, HTX trồng rau thủy canh theo phương pháp thủ công, công nhân phải trực tiếp pha, tưới chất dinh dưỡng nên tốn công chăm sóc. Qua nghe giới thiệu, HTX mạnh dạn phối hợp thử nghiệm triển khai dự án sử dụng công nghệ IoT vào sản xuất.
Đây là dự án triển khai trên nền tảng internet kết nối vạn vật (gọi tắt là IoT). Dự án ứng dụng nhiều hệ thống công nghệ thông minh như: hệ thống thuỷ canh, tưới nhỏ giọt công nghệ Isarel, quạt đối lưu không khí, phun sương trong nhà, tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm.
Giám đốc Nguyễn Văn Đạt thông tin, với công nghệ mới này, mọi thứ được tự động hoá, HTX có thể điều chỉnh, giám sát lượng phân, nước tưới, theo dõi cây trồng qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Nhờ chất lượng và an toàn, hiện tại, toàn bộ sản phẩm rau, quả từ mô hình đều được kết nối tiêu thụ thuận lợi. Trên diện tích 1.000 m2 nhà màng, mỗi tháng HTX thu lợi nhuận khoảng 35 - 40 triệu đồng.
Ông Hồ Phi Triều - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, phát triển HTX ứng dụng CNC bước đầu đã có những kết quả như: nhận thức của người dân được nâng lên trong chăm sóc cây trồng, bảo vệ môi trường, đặc biệt trong sản xuất đã có những kế hoạch, quy hoạch cụ thể để vừa tăng năng suất cây trồng, tạo ra sản phẩm có chất lượng, bên cạnh đó, tạo ra cảnh quan đẹp thu hút khách du lịch.
“Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, CNC trong sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm, nhờ đó tăng năng suất và hiệu quả lao động, giảm nhân công và giá thành, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên ở nông thôn”, ông Triều cho hay.
Xây dựng NTM theo hướng bền vững
Theo UBND tỉnh Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh có 35 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC; 47 HTX có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, các HTX đã ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu như: Xây dựng trang web, Fanpage bán hàng, sàn thương mại điện tử, tem truy xuất nguồn gốc, thanh toán điện tử và hệ thống phần mềm kế toán.
Bên cạnh đó, Nghệ An đã xây dựng và vận hành trang thông tin cho các đơn vị giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các HTX; đưa vào vận hành Hệ thống quản lý dữ liệu HTX nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn triển khai cho các địa phương.
Thời gian tới, thông qua các chương trình, mô hình, dự án của các cấp trong lĩnh vực phát triển HTX, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp đầu tư hiện đại hoá trang thiết bị để tiếp cận, chuyển giao, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ liên quan tới quy trình sản xuất giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Đặng Trọng Tấn - Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Nông Thịnh, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa chia sẻ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, vừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công và đầu tư, lại nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế, đặc biệt là tung ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn nhằm đảo bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Hiện tại, HTX Nông Thịnh đang sở hữu sản phẩm bưởi da xanh “chuẩn dòng” với quy mô ban đầu trên dưới 400 gốc. Sản phẩm nhà màng, nhà lưới mang thương hiệu “Nông Thịnh” là hệ thống công trình nhiều hạng mục, gồm phần khung thép được gia cố chắc chắn, đảm bảo chống chịu được trước tác động của thiên tai.
Bao bọc xung quanh là phần màng chắn côn trùng hữu hiệu, phía trên lợp mái nilon che mưa với độ bền cao, có khả năng hấp thụ nhiệt tích hợp. Ứng dụng làm nhà kính có thể sản xuất được dưới dạng gối vụ quanh năm, mùa nào thức đấy rất tiện lợi.
“Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp hạn chế lãng phí đất, nước và nhân công nhờ những tính năng vượt trội về công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất hữu cơ và tự động hóa trong sản xuất. Nhờ ưu thế về quy mô và giảm thiểu chi phí trang trại, kết hợp với quá trình thương mại hóa các sản phẩm nội địa, đây là cách thức tốt, phù hợp để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các mặt hàng ngoại nhập”, ông Tấn nói.
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp CNC đang là xu thế tất yếu để xây dựng một hệ thống sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, mang lại năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Hằng, trong thời gian tới, song song việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng xã, huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng thông minh, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng CNC, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản, phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đoàn Huyền