Những năm qua, để tạo đà cho kinh tế hợp tác, HTX phát triển, Phú Lương đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho cán bộ và thành viên, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với ATLĐ, rút ngắn thủ tục đổi mới, thành lập HTX...
Kết quả là hàng loạt điểm sáng HTX được hình thành điển hình như HTX dịch vụ và kinh doanh tổng hợp Cổ Lũng, HTX chăn nuôi động vật bản địa Phú Lương, HTX dịch vụ, chăn nuôi và trồng trọt Phấn Mễ, HTX nông nghiệp Động Đạt, HTX nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh…
Các HTX đang được tạo nhiều điều kiện để phát triển tại Phú Lương (Ảnh Tư liệu) |
Tạo đà cho HTX phát triển
Thành lập năm 2016, đến nay HTX chăn nuôi và trồng trọt Phấn Mễ (xã Phấn Mễ) đã là một trong những mô hình điểm của tỉnh Thái Nguyên khi là điểm tựa vững chắc cho các thành viên, đặc biệt là những người trẻ tuổi vươn lên khởi nghiệp làm giàu.
Anh Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc HTX cho biết: “HTX ra đời không chỉ bảo đảm tính liên kết, tăng hiệu quả sản xuất, mà còn giúp các thành viên tiếp cận khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất an toàn, nâng cao ATLĐ”.
Theo đó, để đảm bảo ATLĐ, thành viên HTX phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng chè nguyên liệu, thu hái đến sơ chế, chế biến và đóng gói sản phẩm.
Điển hình như khi trồng chè, HTX hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, loại bỏ cỏ dại bằng cách dùng cuốc để xới hoặc dùng máy để cắt. Được trang bị kiến thức về ATLĐ, thành viên HTX luôn có ý thức cao khi dùng máy cắt hay cuốc, tránh xảy ra các tai nạn do cuốc xới vào chân hay máy cắt cắt vào tay…
Hay ở khâu chế biến chè, khâu sao chè là đặc biệt quan trọng. Khi sao chè, dù sao thủ công bằng chảo hay sao bằng máy, thành viên HTX cũng được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như găng tay, kính mắt để tránh bị bỏng hoặc lá chè khô bay vào mắt.
Khi đóng gói sản phẩm, HTX sử dụng máy ép nhiệt để ép bao bì khiến lượng nhiệt tỏa ra rất lớn, vì vậy, bên cạnh kỹ thuật ép, các thành viên cũng phải đeo bao tay để tránh bị nhựa nóng chảy vào tay gây rộp da, đồng thời đeo khẩu trang để tránh hít phải khí độc từ nhựa cháy.
Vấn đề ATLĐ đang được các HTX đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao lợi ích cho nông dân (Ảnh TL) |
Hiệu quả ngày càng tăng
Chính phương thức sản xuất khoa học, chú trọng ATLĐ giúp cả lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt của HTX Phấn Mễ đều thành công vượt bậc, duy trì mức tăng trưởng ổn định theo từng năm.
Về trồng trọt, HTX thực hiện trồng rau an toàn trong nhà lưới với tổng diện tích hơn 2ha. Về chăn nuôi, HTX đang phát triển đàn gà đẻ trứng hơn 2.000 con mái, khu nuôi lợn thịt (số lượng 50 - 80 con/lứa) và 800m2 chuồng nuôi giun quế.
Hiệu quả từ chăn nuôi và trồng trọt mang lại cho HTX Phấn Mễ nguồn thu hơn 1 tỷ đồng/năm, gia tăng thu nhập cho 11 thành viên và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Giống như Phấn Mễ, Khe Cốc cũng đang là một điển hình HTX hoạt động hiệu quả ở Phú Lương,15 ha chè nguyên liệu của HTX đang được trồng theo hướng an toàn và được giám sát chặt chẽ.
Chị Trần Thị Mai - thành viên HTX, cho biết không chỉ nâng cao thu nhập, HTX luôn chú trọng tập huấn nâng cao kỹ thuật, cải thiện ý thức về ATLĐ cho các hộ trong quá trình sản xuất chè.
Đơn cử, trong khâu hái chè, người hái chè phải lao động ngoài trời, vì vậy HTX trang bị đầy đủ nón, mũ, khăn quàng, khẩu trang để tránh sốc nhiệt vào mùa hè, bị cóng vào mùa đông, qua đó đảm bảo sức khỏe, ATLĐ cho thành viên.
Ông Tô Văn Khiêm – Chủ tịch HĐQT HTX, cho hay chính việc được đảm bảo ATLĐ giúp thành viên HTX tự tin làm ra những sản phẩm chất lượng có giá bán cao. Hiện, giá chè loại 1 tại HTX từ 150 - 200 nghìn đồng/kg. Loại chè đặc sản với mẫu mã đẹp có giá trung bình 700 - 800 nghìn đồng/kg, thậm chí có loại lên đến 1,4 triệu đồng/kg.
Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Phú Lương dự kiến tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền Luật HTX, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy HTX phát triển, đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các HTX điểm nhằm gây tiếng vang, tạo hiệu ứng tích cực.
Hưng Nguyên