Chè đang là cây thế mạnh được đặc biệt chú trọng ở Đồng Hỷ (Ảnh Tư liệu) |
Từ cây xóa đói đến cây làm giàu
Cùng với quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, huyện Đồng Hỷ đã phát huy tốt những tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Trong đó, cây chè được xác định là cây trồng mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất hàng hóa và là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho người nông dân.
Đến nay, huyện Đồng Hỷ đã hình thành vùng sản xuất chè chuyên canh với diện tích trên 3.600ha, tập trung ở các xã: Minh Lập, Khe Mo, Văn Hán, Hòa Bình, thị trấn Sông Cầu với quy mô gần 2.000ha, giá trị thu nhập bình quân đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm.
Dựa trên thế mạnh địa phương, HTX chè Sáo Thịnh (xã Minh Lập) được thành lập, tổ chức liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trên địa bàn, tạo chuỗi sản xuất khép kín, mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho thành viên.
Anh Dương Quảng Phú - người sáng lập HTX, cho biết: “Với số vốn điều lệ 800 triệu đồng, HTX tập trung phát triển các ngành nghề kinh doanh như sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo quản chè”.
Hiện nay, quy mô sản xuất của HTX gồm 2 xưởng sản xuất rộng trên 500 m2, được đầu tư công nghệ chế biến theo dây chuyền hiện đại với năng suất khoảng 1.500 kg chè búp tươi mỗi ngày, giải quyết được việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Để có được thành công trên, HTX đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất giữa các thành viên từ khi trồng, thu hái đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi.
Rau an toàn cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Đồng Hỷ (Ảnh TL) |
Định hướng đi bền vững
Bên cạnh cây chè, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển vùng sản xuất chuyên canh rau tại xã Hóa Thượng, Nam Hòa, Minh Lập...
Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng xóa đói giảm nghèo cho nông dân tại các xã, góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung áp dụng phương pháp sản xuất theo quy trình VietGAP.
Điển hình, mô hình sản xuất rau an toàn của Tổ hợp tác xã Nam Hòa đang tiếp tục mở rộng thêm 5ha, hướng đến xây dựng vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn lớn nhất trên địa bàn huyện.
Ông Miêu Văn Long (xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa) cho biết: "Nhở sản xuất VietGAP, cây rau đang lại hiệu quả kinh tế khá cao, sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì thu nhập của chúng tôi đã khác hơn ngày xưa rất nhiều".
Ngoài ra, những năm qua, huyện Đồng Hỷ cũng hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn chuyên canh lúa với quy mô gần 200ha, đưa 100% các giống ngô lai năng suất cao để thay thế các giống cũ…
Nhờ hiệu quả của các mặt hàng nông sản thế mạnh, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tăng xấp xỉ 10 triệu đồng so với năm 2015.
Theo UBND huyện Đồng Hỷ, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần phát triển kinh tế gia đình, giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng là mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Để phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Nhật Minh