Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND tỉnh Lạng Sơn về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025, nhiều HTX trên địa bàn huyện Tràng Định vươn lên mạnh mẽ.
HTX góp phần xóa đói, giảm nghèo
Sau nhiều năm vật lộn với cái nghèo, chị Phạm Thị Huệ ở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định đã tìm hướng làm giàu bằng mô hình nuôi vịt đẻ trứng, nhưng nguồn vốn hạn chế, kinh nghiệm chưa có, nên quy mô đàn nhỏ. Năm 2021, chị cùng một số thành viên thành lập HTX Quốc Khánh.
Để có thêm nguồn lực sản xuất, chị Huệ cùng các thành viên HTX đã tìm đến nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08 và được hướng dẫn vay 390 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ lãi suất 100%.
Hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp đang giúp nông dân Tràng Định thoát nghèo, làm giàu bền vững. |
Chị Huệ cho biết nguồn vốn này đã giúp gia đình chị có thêm nguồn lực để mua thêm con giống, thức ăn, cải tạo chuồng trại. Đến nay, HTX Quốc Khánh duy trì đàn vịt đẻ trứng 3.000 con và 1.000 con vịt lấy thịt; trồng được 13ha cây ăn quả, tạo việc làm cho 50 chị em trong xã. Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận 600 triệu đồng.
Tương tự, sau hơn 5 năm thành lập, HTX nông lâm nghiệp Đồng Phát, xã Chí Minh, huyện Tràng Định đã khẳng định được hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía và cây dược liệu cà gai leo trên địa bàn.
Gia đình ông Vi Văn Toán, ở thôn Lũng Phầy, là hộ đầu tiên trồng cây mía trên địa bàn xã Chí Minh từ năm 2013. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm với diện tích ít, thấy hiệu quả nên từ năm 2016 đến nay, mỗi vụ gia đình ông duy trì diện tích trên 1 ha, hằng năm thu hoạch trên 80 tấn mía, thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Ông Toán cho biết, khi mới chuyển sang trồng mía, gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong khâu chọn giống và chăm sóc. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền xã cùng sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua Internet, gia đình ông đã ứng dụng thành công quy trình trồng chăm sóc mía.
Không chỉ trồng mía cho gia đình, ông Toán còn làm Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng mía ở thôn Lũng Phầy (trực thuộc HTX Đồng Phát), với diện tích 21 ha của 44 hộ tham gia, phần lớn là người dân tộc Tày, Nùng. Bình quân mỗi năm, mô hình thu hoạch được khoảng 2.000 tấn mía nguyên liệu, thu về hơn 1,9 tỷ đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Phát triển theo hướng hàng hóa
HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng, thôn Phiêng Luông, xã Đại Đồng cũng đang là một điển hình trong phát triển kinh tế ở Tràng Định. Thạch đen, quế, hồi là những sản phẩm chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho thành viên và nông dân liên kết của HTX.
Anh La Văn Tuyển, thôn Pàn Dào, xã Kim Đồng cho biết gia đình anh có gần 5 ha hồi, mỗi năm cho thu trung bình từ 3 - 4 tấn hoa hồi. Ngoài ra, gia đình có thêm gần 5 ha quế, đã cho khai thác chọn lọc.
Thay vì phải đợi thương lái đến thu mua như trước, hiện nay, sản phẩm từ cây quế, hồi của gia đình anh Tuyển thu hoạch đến đâu đều được HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng thu mua đến đó với giá ổn định. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình đã bán cho HTX gần 1 tấn vỏ quế tươi. Bình quân mỗi năm, gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng quế, hồi.
Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Tràng Định ngày càng khởi sắc. |
Đáng chú ý, các loại cây công nghiệp thế mạnh như quế, hồi, thạch đen... cũng đang được ngành nông nghiệp huyện Tràng Định dành nhiều nguồn lực phát triển theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị.
Đối với cây hồi, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã tổ chức triển khai các chương trình, dự án có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cũng như các doanh nghiệp đầu tư để chăm sóc, trồng dặm, cải tạo rừng hồi cũ kết hợp trồng mới bằng giống hồi lấy lá để chưng cất lấy tinh dầu.
Đồng thời, UBND huyện quy hoạch và phát triển vùng trồng hồi khoảng 10.000 ha tập trung ở các xã: Tri Phương, Đề Thám, Bắc Ái, Hùng Sơn, Kim Đồng, Tân Minh, Đào Viên và Quốc Khánh.
Song song với đó, huyện Tràng Định thực hiện Đề án phát triển cây quế tập trung tại các xã phía Tây của huyện với tổng diện tích khoảng 1.300 ha, điển hình như xã Kim Đồng với tổng diện tích hơn 110 ha, Tân Tiến 220 ha, Vĩnh Tiến 182 ha và nhiều nhất là Đoàn Kết với gần 600 ha…
Trong 5 năm trở lại đây, đã có nhiều diện tích rừng quế cho thu hoạch với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg vỏ quế khô. Theo mật độ trồng 2.500 cây quế/ha, đã có nhiều hộ đạt thu nhập bình quân 250 triệu đồng/ha/năm.
Thêm động lực để phát triển
Bên cạnh các loại cây công nghiệp dài ngày, huyện Tràng Định tiếp tục phát triển vùng cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó thạch đen là cây chủ lực. Thạch đen vốn là cây trồng thế mạnh của huyện từ nhiều năm nay và được trồng tại 23/23 xã, thị trấn với diện tích từ 1.200 – 2.000 ha/năm.
Trong đó, vùng trồng thạch đen chính của huyện tập trung tại các xã Kim Đồng, Tân Tiến, Chí Minh, Vĩnh Tiến, Chi Lăng và một số xã phía Đông của huyện. Nhờ chuyển đổi theo hướng hàng hóa, cây thạch đen cho thu nhập 130-200 triệu đồng/năm, giúp giảm nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ dân.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tràng Định, để có được những thành công hiện tại, từ năm 2021, Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về "Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây thạch đen giai đoạn 2021-2030".
Huyện đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như từ nay đến năm 2025 phát triển diện tích cây thạch đen từ 2.500ha - 4.000ha; 100% các hộ gia đình trồng thạch đen thực hiện áp dụng quy trình kỹ thuật, khoa học công nghệ để trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; xây dựng mã vùng trồng thạch đen; xây dựng chuỗi sản xuất thạch đen theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với những chuyển biến về nông nghiệp theo hướng hàng hóa, năm 2022, huyện Tràng Định đã vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,55% (so với mục tiêu 3%). Năm 2023, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ 2% trở lên, tập trung giảm hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao…
Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực chất kết quả đạt được, các mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Xác định rõ trọng tâm thực hiện, từ đó lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình. Thực hiện tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tính toán lại việc quy hoạch, bố trí, giải quyết nhu cầu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân.
Mỹ Chí