Hà Nội hiện có 807 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 42 làng nghề truyền thống, 271 làng nghề và 494 làng có nghề. Có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha. Hiện, các cơ sở sản xuất hoạt động ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển. Trong năm 2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là hơn 8.000 tỷ đồng.
Gìn giữ và phát triển làng nghề từ mô hình HTX
Tại các làng nghề ở Thủ đô, các HTX đã hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào duy trì và phát triển làng nghề. Như HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), HTX guột mây tre lá Hồng Kỳ (huyện Phú Xuyên)..., hằng năm xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm mây tre đan sang thị trường các nước châu Á, châu Âu... Các HTX đã mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở Thủ đô.
Ông Lê Bá Chung, Giám đốc HTX Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm chia sẻ, nắm bắt tình hình thị trường và mong muốn phát triển làng nghề, HTX đã cùng với Sở Công thương Hà Nội và Trung tâm khuyến công huyện Gia Lâm tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ trong làng và một số địa phương lân cận.
Làng nghề truyền thống đã góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc. |
Các học viên trẻ theo học các lớp học nghề đều được bảo đảm việc làm sau khi học. Nhờ đó, hầu hết các học viên đều yên tâm, tâm huyết theo đuổi nghề. Từ nguy cơ mai một nghề truyền thống, đến nay, làng nghề đã có gần 1.000 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Giám đốc HTX Sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín cho biết, làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái có lịch sử hơn 200 năm. Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường bằng nhiều sản phẩm, được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Đến nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.
“Để nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại nhiều hơn nữa lợi ích cho thành viên, góp phần xây dựng NTM của địa phương, HTX đã tập trung thực hiện một số giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực HTX đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào phục vụ chuỗi giá trị sản phẩm; mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu của HTX”, bà Hồi nói.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đánh giá, các làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố.
Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với phát triển làng nghề ngày càng phát triển. Nhiều HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, tham gia các hoạt động của câu lạc bộ theo ngành, lĩnh vực, các HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường. Đồng thời, các HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, người lao động
Làng nghề truyền thống là một trong những nguồn nội lực giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. |
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Tính đến nay, Hà Nội đã có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Trong đó có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng nghề nón, mũ lá; 83 làng nghề mây tre, giang đan; 24 làng nghề chế biến lâm sản; 29 làng nghề thêu ren; 26 làng nghề dệt may; 9 làng nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng nghề cơ kim khí; 15 làng nghề chạm điêu khắc; 5 làng làm nghề đan tơ lưới; 54 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; 6 làng nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác như: gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc...
NTM tạo ra giá trị cho làng nghề
Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội, đến nay, Thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đạt chuẩn NTM; trong đó đã có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt NTM kiểu mẫu. Trong số các xã về đích NTM có sự đóng góp rất lớn của các làng nghề và nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại các vùng nông thôn.
Các làng nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, tổng doanh thu từ các làng nghề đạt hơn 2.000 tỷ đồng hằng năm. Các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh số và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách thành phố.
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội chia sẻ, nhằm thúc đẩy và phát triển làng nghề, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, khuyến khích phát triển làng nghề gắn bảo vệ môi trường. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với xây dựng NTM; tăng cường nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng làng nghề, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Song song đó, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động trình độ cao cho các làng nghề; thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ cơ sở sản xuất có kiến thức về tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX trong các làng nghề tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương, tham gia các hội chợ triển lãm, khai thác thị trường; tăng cường trao đổi kinh nghiệm. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển các mô hình du lịch tại các làng nghề bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM hiệu quả, thiết thực.
Kim Yến
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |