Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây trên 400 năm, dưới thời Hậu Lê. Từ đó, người dân nơi đây với bản tính cần cù, với tay nghề khéo léo đã mang nghề đi khắp nơi. Nhận thấy những trách nhiệm to lớn của mình trong việc giữ gìn và phát huy danh tiếng của làng nghề, các thành viên của HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ luôn tâm niệm làm sao để giữ được sự "độc quyền" của nghề truyền thống, kể cả trong những thời điểm kinh tế khó khăn nhất vẫn luôn phát triển và vươn lên.
Khéo léo đôi bàn tay “vàng”
Để có những miếng vàng bạc quỳ, người thợ của HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ phải tuân thủ đủ 8 khâu chính và hàng chục khâu phụ. Từ những miếng vàng, bạc thật, người thợ đập (gọi là đập diệp) cho dài và mỏng rồi cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2, sau đó đặt vào lá quỳ.
Lá quỳ có cạnh dài 4cm làm từ giấy dó, được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế (làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc). Mỗi tập quỳ 500 lá, trên mỗi lá có một mảnh vàng nhỏ, dùng vải diềm bâu gói lại, đặt lên đe đá, dùng loại búa chuyên dụng đập hàng trăm nhát, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.
Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh thì vàng cũng đã bay tung! Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảnh tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Lê Bá Chung, Chủ tịch HĐQT HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ cho biết: “Một thợ giỏi trong HTX có thể đập một chỉ vàng thành gần 1.000 lá vàng, có diện tích hơn 1m2. Bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác của nghề quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ là công đoạn làm lá để đặt vào các miếng quỳ đủ độ dai, đàn hồi, không bị dính. Chính vì vậy, nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế”.
Một sản phẩm của HTX được làm ra không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của nghệ nhân trong từng sản phẩm. Vậy nên, nghề làm vàng, bạc quỳ của HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước, nhận được sự đánh giá cao của không chỉ bạn hàng trong nước, mà của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…
Từ làng nghề đi lên HTX
HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ được thành lập chính thức vào tháng 1/2008, chủ yếu kinh doanh quỳ vàng, quỳ bạc, sơn son thếp vàng để phục vụ văn hóa tâm linh. Ban đầu HTX chỉ có 13 thành viên đều là những nghệ nhân ưu tú lâu năm, hiện tại HTX đã kết nạp được 71 thành viên, cùng với đó nhờ sự hỗ trợ từ quỹ vốn của Liên minh HTX nên các thành viên trong HTX đã chia thành các tổ riêng để chủ động làm công trình trên cả nước.
Ngoài việc thực hiện những đơn đặt hàng trực tiếp các sản phẩm sơn son thếp vàng, HTX còn vinh dự được “chọn mặt gửi vàng” để tham gia xây dựng, tu bổ các công trình văn hóa lớn như Cung đình Huế, Khải đoan tứ sắc, Thiền viện Bạch Mã… Có thể nói, các đền chủa từ Bắc vào Nam, cho đến đảo Trường Sa xa xôi đều mang dấu ấn “độc quyền” của làng nghề Kiêu Kỵ.
Nhờ những sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ trong làng nghề cũng như các thành viên HTX, những năm vừa qua, HTX HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao của Thành phố Hà Nội với một loạt các sản phẩm độc đáo như: tượng Trần Hưng Đạo dát vàng, bát sen dát vàng, lục bình "Vinh quy bái tổ", thiềm thừ, bình hút lộc…
Giải thích về việc đưa từ mô hình làng nghề lên thành HTX, ông Chung nói: “Từ khi tìm hiểu về mô hình kinh tế tập thể và hiểu rõ được những ưu điểm của mô hình này khi áp dụng với một làng nghề truyền thống lâu đời như Kiêu Kỵ, cả tôi và Ban lãnh đạo đều hướng đến chọn ra những nghệ nhân có tâm huyết, yêu cái nghề độc đáo nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ mỹ này để kết nạp vào HTX”.
Một sản phẩm được làm ra không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của nghệ nhân trong từng sản phẩm. |
Ông Chung cũng bộc bạch, từ năm 2010, HTX tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ của Liên minh HTX nên trong quá trình xây dựng và thành lập, HTX cũng không quá khó khăn về nguồn vốn huy động. Sau đó một thời gian, các thành viên HTX cũng đã phần nào tự chủ được nguồn vốn do một phần được đền bù đất đai trong quá trình Thành phố Hà Nội triển khai các công trình hạ tầng, đô thị. Theo thống kê, HTX đã vay được hơn 3 tỷ đồng cho các thành viên, và nhờ có sự tạo điều kiện, khuyến khích các làng nghề truyền thống nên trong các khâu thủ tục giấy tờ tương đối dễ dàng.
Điều HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ tự hào là cho đến nay, HTX đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ sản xuất quy mô lớn với hàng chục thợ làm việc. Có thể khẳng định, HTX đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Kiêu Kỵ.
Gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc
Gắn bó với nghề quỳ vàng, bạc từ khi mới lên 10 tuổi, giờ đây tóc đã chuyển màu hoa râm, bà Phạm Thị Ngọ, một trong những nghệ nhân của HTX vẫn thoăn thoắt tay quỳ những miếng vàng mỏng tang, vừa chậm rãi giảng giải: “Ông cha đã có công xây dựng danh tiếng của làng nghề, vì vậy đến thế hệ con cháu kế cận như chúng tôi tham gia và cống hiến cho sự phát triển của HTX cũng là một cách thể hiện thái độ trân trọng với truyền thống quý báu của nơi mình sinh ra và lớn lên”.
Cũng là người con sinh ra và lớn lên trong một gia đình 3 đời có truyền thống làm nghề sơn son thếp vàng, nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung từ sau khi rời quân ngũ trở về quê hương đã được các nghệ nhân trong làng ưu ái cho gia nhập vào đội dán quỳ ở làng. Từ năm 1981 bắt đầu chập chững vào nghề đến nay đã hơn 40 năm, ông Chung chỉ có một trăn trở duy nhất là làm sao giúp làng nghề giữ gìn nét văn hóa truyền thống, vì vậy ông luôn hết mình trong việc tìm kiếm và đào tạo cho đội ngũ con em kế cận học nghề để làng nghề Kiêu Kỵ nói chung và HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ nói riêng luôn giữ được chữ tín mà bấy lâu nay thế hệ đi trước đã dày công xây dựng.
Khó khăn của HTX đang gặp phải là, do tính chất đặc thù là nghề về tâm linh, nên việc sản xuất phải theo chu kỳ, chủ yếu nhiều đơn đặt hàng khoảng từ tháng 8 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do việc xây dựng các công trình văn hóa lớn cũng ít nên đơn hàng cũng có chút giảm sút vì nghề này chủ yếu chỉ phục vụ nội địa.
Nhìn nhận được vấn đề này, không chỉ ông Chung mà những thành viên trong HTX cũng đã có những kế hoạch nhằm khôi phục và giữ vững nghề truyền thống của làng nghề, cũng như hướng tới xuất khẩu rộng rãi sang các thị trường khác trên thế giới. Hiểu rõ được tính đặc thù của sản phẩm, cũng như sự biến động lên xuống không ngừng của kinh tế thị trường sau dịch Covid-19, vậy nên hiện tại HTX đang từng ngày cố gắng hướng đến việc đảm bảo được công ăn việc làm cho bà con tham gia HTX. Song song với đó, HTX không ngừng sáng tạo, cho ra đời các sản phẩm chất lượng hơn để chờ thời cơ “chín muồi” đưa sản phẩm của HTX đi ra "biển lớn".
Nói về kế hoạch trong tương lai, ông Chung cho biết, HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ vẫn mong muốn có thể giữ vững và phát huy nghề truyền thống của làng, bằng cách truyền lửa, đào tạo dạy nghề cho lớp con cháu kế cận, đồng thời đảm bảo được công ăn việc làm ổn định cho giới trẻ để làm sao cái nghề “độc nhất vô nhị” này của làng mãi mãi trường tồn với thời gian.
Thanh Uyên - Nguyễn Hòa