Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc 4 nhóm ngành nghề chính là: nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nghề thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan; nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh và nghề xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Các làng nghề nông thôn của tỉnh đang phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Các hoạt động của làng nghề đang duy trì việc làm cho trên 15.000 lao động, tạo ra thu nhập gần 1.300 tỷ đồng mỗi năm.
Tháo gỡ nút thắt
Có nhiều tiềm năng là vậy, song quy mô sản xuất của các làng nghề trên địa bàn Phú Thọ còn nhỏ lẻ, manh mún. Nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng huy động vốn hạn chế. Sản phẩm của làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc 4 nhóm ngành (Ảnh: Tư liệu) |
Sự liên kết các cơ sở trong làng nghề còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu vẫn là thị trường nội địa. Đây chính là nút thắt trong quá trình phát triển làng nghề cần phải tháo gỡ.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng mô hình HTX trong các làng nghề nhằm tập trung các nguồn lực về vốn, con người, kiến thức kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm truyền thống. Đến nay, tỉnh đã có 12 HTX phát triển từ nền tảng của làng nghề, sản phẩm đã được tạo lập, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, giúp cho hoạt động kinh doanh sản phẩm của làng nghề được tốt hơn.
Tiêu biểu như sản phẩm mỳ gạo của HTX Mỳ gạo Hùng Lô (Việt Trì); tương của HTX Tương Dục Mỹ (Lâm Thao), chè xanh của HTX Sản xuất chế biến chè Phú Thịnh (thị xã Phú Thọ), cá chép đỏ của HTX Cá chép đỏ Thủy Trầm (Cẩm Khê)... ngày càng khẳng định giá trị, thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng.
Các HTX trong làng nghề này phát triển ngày càng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của làng nghề, được củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Thông qua hoạt động của HTX, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất và đã hình thành được một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Hình thức này không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường; mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Làng nghề chè Phú Thịnh giúp đời sống người dân thay đổi đáng kể (Ảnh:TL) |
Ra đời theo hình thức HTX trong làng nghề, HTX Phú Thịnh đã tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, tạo động lực cho từng hộ làm nghề và giải quyết những nhu cầu chung thúc đẩy sản xuất làng nghề đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng làng nghề kiêm Giám đốc HTX cho biết nếu như trước đây, do không có tư cách pháp nhân nên trong giao dịch và hoạt động còn một số hạn chế nhất định, việc mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm gặp không ít khó khăn thì từ khi tham gia HTX, các hộ sản xuất chè đã có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Các thành viên HTX luôn nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong tỉnh trong định hướng phát triển; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tay nghề sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ máy móc, trang bị, vốn để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo lập nhãn hiệu tập thể, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, sản phẩm chè xanh của thành viên HTX có giá bán cao gấp 3 lần so với trước khi thành lập HTX, bình quân từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Doanh thu của HTX năm 2018 đạt 1.350 triệu đồng, năm 2019 tiếp tục tăng lên 1.950 triệu đồng. HTX hoạt động có hiệu quả đã giúp giải quyết việc làm ổn định thường xuyên cho hàng chục lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, phát triển HTX trong làng nghề là nhu cầu tất yếu giải quyết những khó khăn làng nghề đang gặp phải cũng như làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Các HTX này đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới thể hiện ở việc thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng sản phẩm.
Khánh Toàn