Hiện nay, diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 10.468 ha/11.763 ha, chiếm 89% diện tích canh tác rau toàn huyện Đơn Dương; 30% sản lượng nông sản đã được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Giá trị thu nhập từ sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, một số mô hình đạt trên 1 tỷ đồng đồng/ha/năm, có nơi nâng hệ số sử dụng đất lên 3-3,5 lần/năm.
Cách làm mới, thích ứng xu thế mới
Nhằm đẩy mạnh triển khai xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, Huyện ủy Đơn Dương đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025”. Đến nay, 100% xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 4 xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, Ka Đô, Quảng Lập thực hiện kế hoạch xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Ngoài thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, huyện sắp xếp tổ chức sản xuất xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất (Ảnh: Tư liệu) |
Với nguồn vốn 11 tỷ đồng do Trung ương đầu tư năm 2019 thực hiện xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, huyện Đơn Dương đã chú trọng tổ chức hội thảo nơi có mô hình, đầu tư xây dựng mô hình và đầu tư hỗ trợ cho nông dân thực hiện các thành tố sản xuất thông minh. Ngoài thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, huyện sắp xếp tổ chức sản xuất xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Từng xã, thị trấn đã đăng ký xây dựng từ 1- 2 chuỗi làm điểm để nhân rộng và củng cố từ 1 - 2 HTX đảm bảo phát triển đạt hiệu quả.
Để phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Đơn Dương chú trọng phát triển sản xuất và tổ chức sản xuất. Toàn huyện có 19 HTX và 16 tổ hợp tác; 58 trang trại, trong đó có 22 trang trại chăn nuôi, 20 trang trại trồng trọt và 16 trang trại tổng hợp. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh triển khai: diện tích canh tác cây trồng hiệu quả kinh tế thấp được chuyển sang trồng rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả giá trị kinh tế cao, trong đó chủ lực là chuyển đổi sang sản xuất cây rau thương phẩm.
Đáng chú ý, đàn bò sữa tiếp tục phát triển theo hướng tăng quy mô và nâng cao chất lượng đàn và sữa. Huyện đã có 13.460 con, đàn bò sữa trong dân 9.845 con, đàn bò sữa doanh nghiệp có 3.615 con. Hiện đang có trên 40% tổng đàn bò sữa cho khai thác sữa, năng suất sữa bình quân 6 tấn/con/chu kỳ. Toàn huyện có trên 700 hộ chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ chăn nuôi có quy mô từ 50 con trở lên... Kinh tế phát triển nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến nay Đơn Dương chỉ còn 441 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,87%), trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 243 hộ, chiếm tỷ lệ 3,81%.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong xây dựng NTM, Huyện ủy Đơn Dương đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó xác định tầm quan trọng của việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng huyện NTM kiểu mẫu; phát triển mạnh dịch vụ du lịch và phát triển có chọn lọc ngành công nghiệp; tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm, các công trình trọng điểm.
Bên cạnh đó, nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; tiếp tục cải thiện và đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Thực hiện chính sách phát triển doanh nghiệp; củng cố, phát triển kinh tế hợp tác. Đồng thời, lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và Đề án của UBND huyện về “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025”.
Thêm động lực từ kinh tế hợp tác
Trong sản xuất nông nghiệp., huyện chú trọng phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất bằng việc triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, từ đó hình thành chuỗi giá trị các nông sản chủ lực. Đồng thời, rà soát, đánh giá các sản phẩm tiêu biểu tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tiếp tục đăng ký tiêu chuẩn VietGAP để tiến tới đăng ký và quảng bá nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Bên cạnh đó, tập trung hình thành các HTX nông nghiệp mới gắn với xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục đầu tư hỗ trợ củng cố và hỗ trợ phát triển các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp.
Các HTX và tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của huyện Đơn Dương (Ảnh: TL) |
HTX Nông nghiệp Thiện Thanh (xã Đạ Ròn) là một trong những điển hình về hiệu quả hoạt động trong sản xuất nông nghiệp và đóng góp vào chương trình xây dựng NTM của huyện Đơn Dương. HTX đã được UBND TP Đà Lạt cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có hiệu lực trong 3 năm.
HTX Nông nghiệp Thiện Thanh thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/2016 với 33 hộ thành viên sản xuất hơn 52 ha rau các loại đạt chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX phát triển diện tích lên 76 ha với gần 50 hộ thành viên. Trong đó có gần 1,5 ha nhà kính sản xuất ớt ngọt, dưa leo baby, cà chua beef…, còn lại hơn 74,5 ha diện tích sản xuất ngoài trời luân canh các giống rau bắp sú, cải thảo, khoai tây, cà rốt, khoai lang, xà lách…
Toàn bộ diện tích 76 ha nói trên của HTX Nông nghiệp Thiện Thanh được liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp, chợ đầu mối trong nước, bình quân mỗi ngày thu hoạch 5 - 7 tấn rau các loại, đóng gói, gắn nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trước khi đưa ra thị trường.
Cũng nằm trên địa bàn huyện Đơn Dương và được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” là HTX Sơn Uyên (xã Pró). HTX Sơn Uyên là đơn vị kinh tế hợp tác được chọn duy nhất trên địa bàn xã Pró liên kết với 10 hộ nông dân trồng bí non trên diện tích chuyển đổi từ cây cà chua, rau màu hiệu quả kinh tế thấp, mỗi hộ đưa vào canh tác 2.000m2. Đây là dự án xây dựng chuỗi liên kết được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, chủ đầu tư là UBND xã Pró; chủ dự án là HTX Sơn Uyên.
Dưới sự tổ chức trực tiếp của UBND xã Pró, hợp đồng HTX Sơn Uyên thực hiện với các bước tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp cho 10 nông hộ đầy đủ nguồn giống bí non chất lượng cao từ Nhật Bản tương ứng với diện tích đất sản xuất, bao tiêu sản phẩm thu hoạch theo giá thành cao hơn giá thị trường từ 10% trở lên. Nông hộ liên kết có diện tích đất đưa vào sản xuất, thụ hưởng lợi nhuận và cùng nhau chia sẻ kỹ thuật chăm sóc đạt năng suất và chất lượng cao nhất.
Để được chọn sản xuất theo chuỗi liên kết mô hình điểm ở xã Pró, HTX Sơn Uyên đã qua 2 năm hoạt động khẳng định uy tín trên thương trường trong nước. Cuối năm 2018, HTX Sơn Uyên được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với sản phẩm rau VietGAP các loại ở xã Pró và các địa bàn lân cận.
Giám đốc HTX Sơn Uyên Huỳnh Sơn chia sẻ: “HTX đang liên kết 20 nông hộ trong và ngoài thành viên, sản xuất ổn định trên diện tích 50ha, bao tiêu mỗi ngày khoảng 3 tấn rau cung cấp đến hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trong cả nước. Năm vừa qua, nông hộ sản xuất liên kết với HTX Sơn Uyên thu lãi từ 700 triệu đồng/ha trở lên. Phấn đấu trong năm 2020, HTX Sơn Uyên mở rộng thêm 10ha sản xuất rau VietGAP theo hợp đồng liên kết với nông hộ trên địa bàn huyện Đơn Dương…”.
Đức Nguyễn