Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đánh giá, lợi thế đa dạng hệ sinh thái tự nhiên và các sản phẩm OCOP của các HTX và làng nghề đang giúp Lào Cai tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Các HTX phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm bước đầu cho thấy hiệu quả, mang lại sức sống mới trong phong trào xây dựng NTM địa phương.
Du lịch trở thành sản phẩm OCOP
Nhiều HTX từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, nơi đây có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề khi xây dựng được sản phẩm OCOP và có khai thác dịch vụ du lịch sẽ góp phần nâng cao giá trị trên 1 đơn vị đất canh tác.
Các HTX đã giúp nhiều địa phương xây dựng thành công sản phẩm đặc sắc, thu hút du khách, góp phần xây dựng NTM. |
“Tỉnh sẽ tập trung xây dựng thí điểm các mô hình, gồm: Du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện, thị xã, trong tỉnh như Sapa, Bắc Hà, Bát Xát…”, ông Hoàng Quốc Khánh chia sẻ.
Khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn lao động dồi dào ở địa phương, HTX Tả Phìn Xanh, xã Tả Phìn, TP. Sa Pa xác định cây hoa lan là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của HTX.
Mục tiêu của HTX là phát triển hoa địa lan theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản, nâng cao giá trị kinh tế của cây hoa lan Trần Mộng góp phần vào xây dựng NTM nâng cao của xã.
Bà Lại Thị Nga - Giám đốc HTX, cho biết: Du lịch sinh thái thân thiện với môi trường luôn tạo được sự hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, chúng tôi xác định việc phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường và xây dựng NTM.
Nhờ sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh, HTX đã quyết định làm hồ sơ đăng ký chứng nhận OCOP để góp phần vào việc phát triển của xã Tả Phìn cũng nhưng nâng cao hình ảnh của HTX tới mọi người.
Với tinh thần tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mà không phá vỡ kết cấu môi trường tự nhiên, năm 2019 Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm 4 sao – cũng là sản phẩm dịch vụ du lịch thứ 2 trên toàn quốc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đến thời điểm này.
Ông Đỗ Minh Trí, Chủ tịch HĐND xã Tả Phìn đánh giá, Sản phẩm dịch vụ du lịch "Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn" của HTX Tả Phìn Xanh là sản phẩm dịch vụ du lịch đầu tiên đạt chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh, là 1 trong 10 sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Lào Cai. Mô hình du lịch sinh thái của HTX Tả Phìn Xanh đã đóng góp nhiều vào tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao mà xã Tả Phìn đang hướng tới.
Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp
Ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai chia sẻ, trong những năm gần đây, du lịch Lào Cai đã có những bước tiến dài, trở thành trung tâm du lịch lớn nhất vùng Tây Bắc và ghi tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, bước đầu vươn ra khu vực và quốc tế. Du lịch Lào Cai có rất nhiều cơ hội và lợi thế để phát triển.
Du lịch sinh thái bước đầu cho thấy hiệu quả, khi mang lại sức sống mới trong phong trào xây dựng NTM địa phương. |
Sự ra đời của các HTX du lịch gắn với bảo vệ môi trường trong phong trào xây dựng NTM đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Việc tạo môi trường xanh - sạch - đẹp trong hoạt động của các HTX đang là nhân tố ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch tỉnh lào Cai.
Như tại xã Tả Vạn, TP. Sa Pa, nơi được coi là “vùng trọng điểm” của danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, chị Sùng Thị Lan, giám đốc HTX Mường Hoa chia sẻ, bà con trong khu vực xã Tả Vạn chủ yếu sống bằng nghề nông và làm dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp với làm dịch vụ homestay. Mỗi năm Tả Van chào đón khoảng hơn 100.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến ăn nghỉ qua đêm tại bản.
“Việc phát triển mô hình du lịch sinh thái đang là hướng đi hiệu quả của HTX, khi tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển sản xuất bền vững, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng NTM ở địa phương”, chị Sùng Thị Lan cho hay.
Đại diện Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái phát triển mạnh được du khách ưa thích như: Mô hình phát triển trồng hoa lan gắn với du lịch sinh thái của HTX địa lan Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai); mô hình trồng hoa hồng cổ Sa Pa của hợp tác xã; mô hình trồng hoa hồng tại Vườn Hồng Bắc Hà; Mô hình hoa lan và hoa phố tại thung lũng hoa Việt Tú; Đồi chè Linh Dương tại thành phố Lào Cai.
Phát triển du lịch sinh thái gắn với nông thôn mới đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường.
Về mặt kinh tế, du lịch sinh thái hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp. Về mặt xã hội, du lịch nông thôn góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội và phục hồi, bảo tồn văn hóa. Về môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái, làm mới làng xã theo hướng xanh, sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp.
“Phải nói đây là lợi ích kép. Chúng ta vừa đảm bảo xây dựng NTM, đạt 19 tiêu chí NTM, song song đó phát huy cộng đồng dân cư về du lịch ở địa phương, làm xanh sạch môi trường. Phát huy bản sắc của địa phương, phát huy sản phẩm đặc thù của địa phương cũng như khuyến khích người dân thấy được lợi ích của mình trong xây dựng NTM. Từ đó, hướng tới nông thôn hiện đại, văn minh và thu nhập tốt cho người dân”, đại diện Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết.
Hoàng Hằng