Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy cho biết, để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những chuỗi liên kết hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, tỉnh đã tập trung rà soát và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp, tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa HTX, doanh nghiệp và người sản xuất trong mô hình liên kết.
Liên kết chặt từ những “mắt xích” vững
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các HTX, tổ hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tích cực quảng bá, xúc tiến, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đạt chất lượng tại địa phương đến với người tiêu dùng.
Tỉnh Lào Cai khuyến khích nông dân, các HTX, tổ hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ (Ảnh: Int) |
Điên hình như HTX Tiên Phong Mường Vi (xã Mường Vi, huyện Bát Xát) đã tổ chức liên kết với 26 hộ nông dân trên địa bàn xã chuyên sản xuất gạo lứt Séng cù theo hướng hữu cơ.
Để có nguồn nguyên liệu tốt, HTX chú trọng từ khâu canh tác đến tiêu thụ, nhằm xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ gạo lứt Séng cù.
HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 70 hộ nông dân trong vùng, diện tích lúa hơn 65ha. Các hộ được HTX ứng trước tiền giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, nông dân phải tuân thủ chặt chẽ việc trồng và chăm sóc nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giám đốc Cao Xuân Diễn cho biết, sản phẩm gạo lứt Séng cù được HTX đưa ra thị trường lần đầu tiên vào cuối năm 2018. Do áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt theo hướng hữu cơ nên giá bán sản phẩm cao gần gấp đôi so với gạo lứt thông thường. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã vào được các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, kết hợp tăng cường quảng bá tại các hội chợ nông sản và ngày càng được người tiêu dùng đón nhận.
Có hợp đồng liên kết sản xuất với HTX, anh Sùng A Minh, thôn Làng Mới, xã Mường Vi yên tâm hơn về đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, các hộ tham gia mô hình phải cam kết trong quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật đề ra từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật.
“Một gói giống là 200.000 đồng được HTX hỗ trợ 50%. HTX cùng với các tổ nhóm, khuyến nông của thôn và xã thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại cây lúa”, anh Minh chia sẻ.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng tầm giá trị cho gạo Séng cù, HTX Tiên Phong Mường Vi còn cùng các hộ thành viên và hô nông dân liên kết xây dựng thành công “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù an toàn”. Đây là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Séng cù Mường Vi có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định, xóa bỏ dần tình trạng “được mùa mất giá”.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có hàng chục mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Từ đó, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm sự phối hợp và chia sẻ lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu sản xuất - thu gom - chế biến - phân phối sản phẩm. Đồng thời, hình thành các mô hình điểm về kinh tế hợp tác, để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định.
"Đầu tàu" mạnh mẽ phát triển kinh tế nông nghiệp
Tại thôn Xả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, hàng chục hộ đồng bào dân tộc Mông không còn lo chuyện đầu ra của sản phẩm nhờ có HTX Nông nghiệp xanh Sa Pa đã liên kết sản xuất với một doanh nghiệp ở Hà Nội trong tiêu thụ nông sản.
Tập trung nguồn lực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa (Ảnh: TL) |
Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định, mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
“HTX có 9 thành viên là người dân tộc Mông, chủ yếu trồng rau, đậu và hoa tươi các loại được sản xuất theo hướng hữu cơ. HTX luôn tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các HTX bạn, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản”, Giám đốc An Xuân Phùng thông tin.
Năm 2020, doanh thu của HTX Nông nghiệp xanh Sa Pa đạt 2 tỷ đồng, doanh thu từ liên kết đạt 3,5 tỷ đồng. Năm 2021, ngoài 2 đầu mối tiêu thụ nông sản đã có truyền thống từ những năm trước, HTX đã gửi mẫu chào hàng tới nhiều doanh nghiệp và mời gọi thêm được 2 đầu mối khác tại tỉnh Sơn La và Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, trên địa bàn huyện Bát Xát, HTX nông nghiệp Gia Vạn, thôn Lao Chải (xã Y Tý) cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng chuỗi liên kết. Nhờ việc ký hợp đồng với các siêu thị như Co.op Mart, AEON, Lotte Mart, các sản phẩm của HTX được bao tiêu theo đúng giá cam kết, không lo rớt giá.
“Theo hợp đồng ký kết, mỗi tháng chúng tôi sẽ cung cấp cho hệ thống các chuỗi siêu thị khoảng 150 tấn rau, củ, quả các loại. Ngoài việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các thành viên, HTX đã liên kết với khoảng 10 HTX trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ nông sản cho bà con”, Giám đốc Đinh Gia Vạn cho biết.
Tuy nhiên, HTX yêu cầu các thành viên phải thực hiện đúng quy trình canh tác hữu cơ, tạo ra các sản phẩm an toàn về chất lượng. Mỗi tháng, doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung nguồn lực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; tạo chuyển biến căn bản về quy mô, hiệu quả, trình độ sản xuất; xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Đáng chú ý, vai trò của kinh tế tập thể, HTX sẽ ngày càng được chú trọng, trở thành một “mắt xích” vững trong chuỗi liên kết, là một "đầu tàu" mạnh mẽ để kéo kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Phương Linh