Nguyên Bình đang thúc đẩy sản xuất an toàn |
Quy hoạch lại vùng sản xuất
Với hơn 80.000 ha đất nông nghiệp, huyện Nguyên Bình đang có nhiều cây trồng thế mạnh như trúc sào, mía, thuốc lá, dong riềng, dược liệu… Để phát huy tối đa lợi thế địa phương, huyện đã xây dựng chương trình trọng tâm về phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020.
Trong quá trình phát triển, huyện chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh quy hoạch lại vùng sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ, phù hợp với thế mạnh tại từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ sản xuất.
Huyện dành nhiều nguồn lực để khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, qua đó hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, mang lại hiệu quả kinh tế, ATLĐ cao.
Để hỗ trợ sản xuất, huyện đã và đang lồng ghép các chương trình, dự án để triển khai các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về quy hoạch vùng sản xuất đối với từng loại cây trồng, vật nuôi; tăng khả năng áp dụng khoa học – kỹ thuật, phương thức sản xuất an toàn, ATLĐ vào sản xuất…
Đặc biệt, huyện đang khuyến khích các địa phương thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX tại địa phương. Hiện, toàn huyện đang có gần 40 nhóm hộ, mỗi nhóm có từ 12 hộ tham gia, tạo điểm tựa vững vàng cho người dân.
Ngoài các nhóm sở thích, các HTX cũng đang được hỗ trợ kịp thời. Đơn cử, HTX miến dong Cốc Phường (xã Thành Công) được kiện toàn từ năm 2014, đến nay, HTX đã có 9 thành viên và được sự quan tâm sát sao từ cơ quan chức năng.
Cụ thể, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ HTX 4 máy ép miến, 9 thùng khoắng bột, 2 máy dập bao bì, 4 thùng lọc bột và nhiều thiết bị khác, với tổng giá trị trên 4 tỷ đồng. Hiện, thu nhập bình quân của các thành viên HTX đạt từ 70 – 100 triệu đồng/người/năm.
Nhờ sản xuất an toàn, Nguyên Bình đang phát triển thành công nhiều sản phẩm thế mạnh |
Tiềm năng được phát huy
Nhờ những cải cách kịp thời, huyện đã xây dựng thành công nhiều vùng sản xuất an toàn, hiệu quả cao như vùng sản xuất mía tại xã Thể Dục và thị trấn Nguyên Bình với tổng diện tích 26 ha; vùng trồng dong riềng rộng 135 ha tại các xã Thành Công, Phan Thanh, Vũ Nông…; vùng trồng quế rộng 652 ha; vùng trồng thuốc lá rộng 165 ha, sản lượng 283 tấn…
Các loại cây ăn quả như thanh long, lê vàng, hay các loại cây dược liệu như hà thủ ô, sâm đỏ, sa nhân, thảo quả… cũng liên tục được mở rộng, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, ATLĐ cho người dân địa phương.
Trúc sào đang là một trong những loại cây kinh tế thế mạnh trên địa bàn huyện Nguyên Bình. Tòan huyện hiện có trên 2.100 ha trồng trúc sào, tập trung tại các xã Triệu Nguyên, Hoa Thám, Ca Thành, Phan Thanh, thị trấn Tĩnh Túc… với diện tích đang cho khai thác đạt trên 1.700 ha.
Nguyên Bình đang đặt mục tiêu đưa tổng diện tích trồng trúc sào lên trên 2.500 ha vào năm 2020, duy trì diện tích khai thác trên 1.500 ha. Nhờ sản xuất an toàn, hiệu quả, mô hình trồng trúc sào đang cho thu nhập bình quân 30 – 60 triệu đồng/hộ/năm.
Anh Hoàng Văn Viết (thôn Ca Thành) chia sẻ: “Hiện tại, cả 11/11 thôn của xã đều có người phát triển mô hình trồng trúc sào, với tổng diện tích trên 540 ha. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, những năm qua, chúng tôi đang chủ động nâng cao ý thức về sản xuất an toàn để đảm bảo ATLĐ, giảm thiểu tai nạn nghề nghiệp”.
Hạ Vi