Xã Hua Nà có 6 bản, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Thời gian gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, bí thư chi bộ, trưởng bản chủ động cụ thể hóa kế hoạch của xã; tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Từ đó, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế từng bản; phát huy tối đa tiềm năng về đất đai, nguồn nước để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Lãnh đạo UBND xã Hua Nà cho biết, ngay từ đầu năm, dựa trên các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đảng ủy, HĐND xã giao, UBND xã chỉ đạo các bản đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo đúng khung lịch thời vụ đề ra.
Vận động bà con thay đổi phương thức canh tác, mạnh dạn đổi mới hình thức theo hướng liên kết sản xuất (Ảnh: Int) |
Đặc biệt, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các giống lúa, ngô chất lượng cao vào sản xuất; tham gia khai hoang diện tích đất trống để trồng chè, mắc ca, cây ăn quả, nhất là mở rộng diện tích trồng ổi nhằm hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Đồng thời, xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng; kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè đảm bảo theo đúng yêu cầu của đơn vị thu mua.
Đáng chú ý, xã vận động bà con thay đổi phương thức canh tác, mạnh dạn đổi mới hình thức theo hướng liên kết sản xuất; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ trồng rau, hoa màu trên đất ruộng. Hàng năm, xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện mở lớp đào tạo nghề trồng rau, nấm cho nhân dân; hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp, cây con giống cho hộ nghèo, cận nghèo từ chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Chính phủ, tỉnh. Như trong năm 2020, đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo 10 máy làm đất, 6 máy phục vụ chăn nuôi từ nguồn vốn 30a/CP; hỗ trợ 1.000 cây giống, 500kg phân bón cho 10 hộ trồng ổi với diện tích 2ha.
Toàn xã có hơn 293ha lúa, 69ha ngô, gần 70ha rau màu, lạc, đậu tương. Hiện, xã đang đôn đốc nhân dân các bản tổ chức chăm sóc tốt 9ha cây ngô vụ đông, gần 20ha chè (trồng năm 2017), hơn 9ha cây mắc ca xen chè, trên 19ha cây ăn quả (ổi, bưởi da xanh, xoài). Trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản Séng cù 48ha, sản lượng hơn 235 tấn.
"Được cán bộ xã, trưởng bản vận động, năm nay gia đình tôi mạnh dạn trồng 1.200m2 dưa bao tử, 500m2 ngô, hơn 300m2 rau vụ đông trên đất ruộng 2 vụ. Đây là năm đầu tiên trồng nên chưa có kinh nghiệm, vì vậy, gia đình được xã quan tâm, cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn chăm sóc, bón phân. Sau hơn 2 tháng, dưa bao tử cho thu hoạch gần 2 tạ, bán với giá 20.000 đồng/kg. Còn ngô và rau hiện đang phát triển tốt. Vợ chồng tôi rất mừng", anh Lò Văn Học (bản Đán Đăm) chia sẻ.
Nhờ được vận động, khuyến khích, nhân dân các bản tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, trọng tâm là phát triển đàn trâu, bò theo hình thức nuôi vỗ béo, sinh sản và tăng số lượng đàn gia cầm. Trong chăn nuôi, tổ chức tiêm phòng định kỳ; dự trữ rơm rạ, không thả rông gia súc trong mùa đông. Bà con quan tâm khai thác lợi thế về diện tích thủy sản tại các ao, hồ để tăng mật độ đàn, nuôi đa dạng các loại giống cá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, cung cấp cho thị trường. Hiện nay, tổng đàn gia súc toàn xã trên 2.300 con, gia cầm hơn 25.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 7ha, sản lượng khai thác 17 tấn.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, đến nay thu nhập bình quân của xã Hua Nà đạt hơn 39 triệu đồng/người/năm; trong năm 2020 có 17 hộ nghèo thoát nghèo... Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.
HTX dẫn dắt thoát nghèo, làm giàu
Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, xã Hua Nà đã thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế, làm thay đổi cuộc sống người dân.
Tiêu biểu hình là mô hình HTX Thanh niên Hua Nà của Giám đốc Nùng Văn Nên với sản phẩm OCOP đặc trưng “ổi Hua Nà”.
Mô hình kinh tế hợp tác có vai trò dẫn dắt người dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị gia tăng (Ảnh: TL) |
Anh Nên kể, những năm trước đây, bà con người Thái ở xã Hua Nà coi cây ngô, cây sắn là cây chủ lực trong “cuộc chiến” xoá đói, giảm nghèo. Nhưng giờ đây, khắp những triền ruộng ngô, sắn đã được thay bằng những vườn ổi sum suê - một sản phẩm có giá trị kinh tế trên thị trường.
Sinh ra và lớn lên ở Hua Nà, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nên về Thủ đô theo học tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau 4 năm được trang bị vốn kiến thức nông nghiệp, anh quay về quê hương bắt đầu khởi nghiệp, thực hiện ước mơ làm giàu.
Nhận thấy đất đai địa phương màu mỡ nhưng lâu nay, gia đình mình cũng như bà con chỉ trồng cây nông nghiệp truyền thống, giá trị kinh tế thấp, anh Nên quyết định tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Năm 2012, anh mang 100 gốc giống ổi Đài Loan từ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Thời gian đầu, do chưa biết cách chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho cây ổi nên mô hình chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không nản chí, anh tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc ổi qua nhiều kênh thông tin và học hỏi thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi với bạn bè, các nhà chuyên môn…, từng bước xác định phương pháp chăm sóc phù hợp. Theo đó, vườn ổi của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ tư vấn của Giám đốc HTX Hua Nà, những mô hình trồng cây ăn quả của các hộ dân trong xã Hua Nà ngày càng “ăn nên, làm ra”, điển hình như thanh niên Nùng Văn Minh, sinh 1998.
Minh kể, năm 2018, xuất ngũ về địa phương, biết đến mô hình trồng ổi của anh Nùng Văn Nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến tìm hiểu và được anh Nên tận tình chỉ bảo, chuyển giao kỹ thuật, Minh quyết định trồng thử nghiệm cây ổi trên diện tích 2.000m2. Sau hơn 1 năm trồng, những cây ổi đã cho quả, trừ chi phí nhân công, Minh thu về gần 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cây ngô, cây sắn. Nắm được quy trình, Minh mạnh dạn mở rộng diện tích, sau gần 4 năm, diện tích ổi của gia đình anh đã lên tới 1ha.
“Việc chăm sóc cây ổi của gia đình mình được thực hiện theo quy trình ViệtGAP, nên trọng lượng quả khá đồng đều, chất lượng đảm bảo. Cùng với đó là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng tỷ lệ đậu quả và thực hiện nghiêm nguyên tắc trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Tuân thủ đúng quy trình phát triển của cây, nắm bắt nhu cầu thị trường ắt sẽ thành công…”, Minh nói.
Hiện nay, sản phẩm ổi Hua Nà đã đạt OCOP 3 sao. Mô hình phát huy giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp đoàn viên, thanh niên xã Hua Nà vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu.
Đức Nguyễn