Theo ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, phát triển các HTX gắn với xây dựng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Năng suất cao phục vụ giảm nghèo
Như tại tỉnh Quảng Trị, có 465 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, trong đó có 88 hồ chứa nước nhỏ, 221 đập dâng, 155 trạm bơm, trên 1,6 nghìn km kênh mương cấp 3 và nội đồng, hàng chục ao, hồ, trạm bơm và các công trình trên kênh khác.
Phát triển các HTX gắn với xây dựng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng góp phần nâng cao đời sống người dân. |
Để vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, Quảng Trị đã thành lập 246 tổ chức thủy lợi cơ sở là các HTX và 105 tổ chức thủy lợi cơ sở là tổ hợp tác.
Nhìn chung, các công trình mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 ha lúa được áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tập trung chủ yếu ở các vùng sản xuất lúa công nghệ cao, lúa hữu cơ.
Ông Lê Mậu Hoài, Giám đốc HTX SXKD DV nông nghiệp Bích La, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết: Tổng diện tích gieo cấy của HTX là 165,5 ha. Hiện nay, HTX đã chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất vụ Đông - Xuân thắng lợi. Trên địa bàn có kênh N1A1 đi qua địa bàn HTX Bích La đảm bảo tưới tiêu cho 35 ha, hiện đang xuống cấp, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện trong việc tổ chức ra quân làm thủy lợi chuẩn bị cho vụ sản xuất, HTX đã vận động thành viên HTX, người dân chung tay ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông các dòng chảy, đảm bảo cho việc tưới tiêu đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo dự báo, năm nay tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nguy cơ thiếu nước tưới tiêu là rất có thể xảy ra. Do đó, các HTX đã huy động sức dân tổ chức ra quân làm thủy lợi để khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét kênh mương, các cửa dẫn nước đảm bảo chuyển nước tốt nhất, duy trì, bảo dưỡng tốt các trạm bơm, máy móc thiết bị, các dụng cụ gàu, guồng, nhiên liệu, nhân công, vật tư, nhiên liệu… để sẵn sàng bơm tưới.
Chuẩn bị các loại máy bơm dự phòng để sẵn sàng bơm hỗ trợ tưới, chủ động chống hạn bằng mọi biện pháp.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, để nâng cao hiệu quả của hệ thống các công trình thủy lợi nói chung và hệ thống kênh mương nội đồng nói riêng, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo ngành chức năng, huy động nhân dân các địa phương ra quân làm thủy lợi, gia cố, nạo vét để khơi thông dòng chảy các tuyến kênh. Qua đó, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời và tránh thất thoát nước trong vụ sản xuất. Từ đó, nâng cao năng suất cây trồng, giảm nghèo bền vững.
Cơ hội giúp dân vươn lên làm giàu
Trước đây khi những công trình thủy lợi chưa được xây dựng, đồng đất khô hạn quanh năm, nhiều diện tích đất canh tác phải bỏ hoang, vì thiếu nước sản xuất, nông dân quanh năm vẫn thiếu lương thực để ăn và hộ đói, nghèo chiếm tỷ lệ khá lớn.
Các công trình thủy lợi giúp người dân phát triển kinh tế và chung sức cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo. |
Còn bây giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trọng điểm, cùng với nguồn vốn lồng ghép của Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ và của địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, cơ bản giải quyết nguồn nước tưới cho cây trồng, đồng thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Gia Lai là địa phương còn có nhiều huyện nghèo, khó khăn so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để hạn chế tái nghèo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có tập trung phát triển thủy lợi, phục vụ bà con nông dân.
Ông Bùi Văn Sáu - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Phú Vượng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chia sẻ: Trước kia, gia đình ông có 1,5 ha đất trồng lúa rẫy, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết tự nhiên. Mỗi năm thu được 4-5 tấn/ha, nếu hạn hán thì xem như mất trắng.
“Nhờ có nguồn nước tưới từ thủy lợi Ayun Hạ, tôi đã canh tác ổn định lúa nước 2 vụ trên 1,2 ha, 3 sào còn lại tôi thả cá. Hiện nay, năng suất lúa đã tăng lên 16-17 tấn/ha cho 2 vụ và thu về 90 triệu đồng/năm từ ao cá. Kinh tế gia đình tôi đã khá hơn rất nhiều, có của để dành”, ông Sáu phấn khởi.
Gia Lai là tỉnh có khoảng 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, đời sống người dân đã thay đổi rất nhiều, từ nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế khó khăn đến cuộc sống ấm no nhờ cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thu nhập ngày càng phát triển, Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình trên 5%/năm.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi kiên cố với tổng năng lực thiết kế tưới là 67.411 ha. Hiện các công trình thủy lợi đảm bảo hiệu quả khai thác trên 70% năng lực thiết kế, đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân.
“Thời gian tới, ngành tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư các công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các hồ chứa nước để tưới cho các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao, lồng ghép các nguồn lực để kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp công trình thủy lợi, mang lại mùa màng bội thu, giúp người dân phát triển kinh tế và chung sức cùng địa phương thực hiện mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững”, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ.
Kim Yến