Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh Phú Thọ phấn đấu có 282 sản phẩm OCOP, trong đó tiêu chuẩn hóa, phát triển 228 sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương. Sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên, gồm 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao- sản phẩm quốc gia, 75 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 142 sản phẩm đạt hạng 3 sao - sản phẩm cấp tỉnh.
Giá trị thương hiệu được khẳng định
Một trong những đơn vị nổi bật đã tạo được thương hiệu cho mình đồng thời đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương là Hợp tác xã (HTX) Mì gạo Hùng Lô, TP. Việt Trì.
Thời điểm năm 2020, HTX đã đón nhận niềm vui nhân đôi khi hai sản phẩm “Mì gạo đặc biệt” và “Mì gạo sinh ra từ làng” được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” công nhận đạt hạng 4 sao. Tháng 7/2021, HTX đăng ký và đạt thêm sản phẩm OCOP là “Mì phở”.
Quá trình đóng gói sản phẩm tại HTX Mì gạo Hùng Lô. |
Ông Cao Đăng Duy- Giám đốc HTX Mì gạo Hùng Lô cho biết: Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của HTX chúng tôi còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Liên minh HTX tỉnh giúp thay đổi tư duy về trang thiết bị máy móc, đầu tư máy tách bột, máy hút chân không, máy đóng gói tự động, tuân thủ các điều kiện về môi trường, an toàn thực phẩm... nhờ đó, chất lượng, mẫu mã đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm chinh phục được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đến nay các sản phẩm của đơn vị đã có mặt trong nhiều siêu thị lớn như Big C, Vinmart, Coopmart… nhờ đó, lượng tiêu thụ sản phẩm cũng tăng từ 20-30% so với thời gian trước đây.
Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 52 sản phẩm của 29 chủ thể được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh với 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 32 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại, giá bán sản phẩm cao hơn so với trước bình quân từ 15-20%. Qua đó, các chủ thể quan tâm đầu tư tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là các sản phẩm đã có thương hiệu như Bưởi Đoan Hùng, Chè (Đá Hen, Long Cốc), Mì gạo Hùng Lô, Thịt chua Thanh Sơn...”.
Chương trình OCOP được triển khai thực hiện tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực HTX, Tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng của từng địa phương.
OCOP nâng tầm chất lượng sản phẩm
Phú Thọ được biết đến là địa phương có nhiều nông sản mang tính đặc trưng, đặc sản và có lợi thế để triển khai chương trình OCOP, có thể kể đến như Bưởi Đoan Hùng, chè xanh, thịt chua Thanh Sơn, gà cựa Tân Sơn, chuối phấn vàng, hồng không hạt, gạo nếp Gà Gáy, khoai tầng vàng...
Cùng với đó, sự phát triển của làng nghề, ngành nghề nông thôn, các nông sản đặc sản, đặc trưng trên địa bàn tỉnh đã góp phần lưu giữ được nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Đặc biệt, thông qua thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm – OCOP” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt, phát huy sức mạnh, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bởi đây là chương trình mới nên các địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm, cán bộ chuyên trách về triển khai thực hiện Chương trình OCOP chưa có, đa số là kiêm nhiệm, vì vậy trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện bước đầu còn lúng túng, thiếu tính chủ động.
Để giải quyết những vướng mắc trên nhằm nâng tầm giá trị, chất lượng sản phẩm tỉnh Phú Thọ đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của mỗi địa phương, nhất là về sản phẩm nông nghiệp.
Thông tin từ đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, cần tăng cường nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình từ tỉnh đến cơ sở. Có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong tỉnh như Giaothương.net.vn hay nongsan.phutho.gov.vn. Đặc biệt hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh trên hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP Quốc gia (ocopvietnam.gov.vn) của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đồng thời đẩy mạnh việc triển khai các chương trình OCOP, nâng tầm sản phẩm, ứng dụng kinh tế số trong việc triển khai các sản phẩm OCOP. Xúc tiến thương mại cho đầu ra sản phẩm; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất về sản phẩm OCOP để làm sao sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng sản phẩm tốt...
Đông Hòa