Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 50 sản phẩm nông nghiệp của 20 chủ thể được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí về tổ chức sản xuất thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp.
KTTT góp phần nâng cao chất lượng OCOP
Vườn nhãn Hòa Thuận nằm tại ấp An Điền (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) gần đây là điểm tham quan du lịch cộng đồng, cung cấp các dịch vụ tham quan, chụp ảnh, đồ uống, trái cây, phục vụ cơm trưa theo yêu cầu của du khách đến miền Duyên hải.
Sản phẩm tại vườn Hòa Thuận có hai loại chính là nhãn xuồng và nhãn bao công. Trong đó, Nhãn xuồng Lộc An (Tổ hợp tác xã xuồng Lộc An) được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao (theo quyết định số 1269/QĐ UBND ngày 22/04/2022 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Vườn nhãn Hòa Thuận (Tổ hợp tác xã xuồng Lộc An) được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đang là điểm thu hút khách du lịch, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. |
Giống nhãn xuồng Lộc An được trồng tại Vườn nhãn Hòa Thuận thuộc giống nhãn xuồng cơm vàng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với đặc thù về điều kiện tự nhiên nên nhãn xuồng cơm vàng nơi đây khác biệt hẳn so với nhãn xuồng cơm vàng của khu vực khác. Sau khi ông Phan Văn Tư - “cha đẻ” của nhãn xuồng cơm vàng phát hiện và nhân giống thành công giống nhãn này, người dân trong tỉnh cũng đã áp dụng lai ghép và phát triển nhãn xuồng cơm vàng thành thế mạnh của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hay như HTX dưa lưới Long Tân xã Long Tân, huyện Đất Đỏ có 8 thành viên với vốn điều lệ 80 triệu đồng, ngành nghề kinh doanh là: trồng, chăm sóc và thu mua dưa lưới. Hiện các thành viên đang canh tác trên diện tích khoảng 4ha, năng suất trung bình đạt 10 tấn/sào/năm, thu nhập bình quân từ 150-200 triệu đồng/ha.
Ông Lý Hồng Nam, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, cho biết từ một vài nhà màng ban đầu của HTX, đến nay địa bàn có gần 30 nhà trồng dưa công nghệ cao. Hiện, dưa lưới ở địa phương được chứng nhận sản phẩm OCOP ở huyện.
OCOP góp phần thành công NTM
Sản phẩm OCOP bước đầu khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm. Tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Hãng hàng không Việt Nam Airlines để quảng bá, giới thiệu, kinh doanh trên các trang mạng thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Dự kiến trong năm 2022, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tổ chức đánh giá, phân loại khoảng 40 sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP của các HTX ở Bà Rịa Vũng Tàu ngày một khẳng định vai trò, vị thế trong quá trình xây dựng nông thôn mới. (Ảnh Int) |
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình các cấp; đồng thời tổ chức tuyên truyền cho người dân, các chủ thể biết được mục đích, ý nghĩa, kết quả của việc tham gia thực hiện Chương trình OCOP.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xây dựng Kế hoạch để thực hiện, đồng thời bố trí ngân sách của tỉnh để tiếp tục thực hiện Chương trình hàng năm theo Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính với mục tiêu đề ra là mỗi năm tổ chức hỗ trợ, xây dựng, đánh giá từ 40 - 50 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên cho các chủ thể; bên cạnh đó tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm.
Song song với việc hỗ trợ, xây dựng, đánh giá công nhận sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền sâu rộng về Chương trình OCOP nói riêng và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung để cán bộ các cấp và người dân hiểu đúng, đầy đủ về các Chương trình từ đó nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, ngành nông nghiệp khuyến cáo các chủ thể sản phẩm OCOP phải xác định rõ không phát triển tràn lan, không lấy số lượng mà tập trung vào chất lượng để phát triển thúc đẩy sản phẩm một cách bài bản, căn cơ; trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực nông nghiệp của tỉnh để có định hướng cụ thể, tránh trường hợp phát triển tràn lan và không duy trì được OCOP.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Đăng, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất thực hiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, quy trình thực hiện các thủ tục đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo VietGAP, hữu cơ...; triển khai Bộ tiêu chí đánh giá OCOP đến các chủ thể đến địa phương.
Hương Giang