Sau khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm của HTX mỳ Trại Lâm đã được chuẩn hoá lại quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào, bao bì, nhãn mác, thương hiệu, từ đó xây dựng lộ trình quảng bá, tiêu thụ.
Hướng đi đúng đắn từ OCOP
Được thành lập năm 2014, HTX mỳ Trại Lâm hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào sản xuất mỳ chũ các loại.
![]() |
Sau khi đạt OCOP 4 sao, lượng tiêu thụ của sản phẩm của HTX mỳ Trại Lâm có mặt tại các siêu thị, đặc biệt xuất khẩu đi nhiều nước. |
Ngay từ khi tỉnh Bắc Giang triển khai Chương trình OCOP, HTX mỳ Trại Lâm đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Do vậy, ngay trong năm 2019, HTX đã có 2 sản phẩm mỳ đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh. Vừa qua, mỳ chũ Green của HTX cũng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2020.
Bà Đào Thị Hương, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, các sản phẩm làm ra của HTX chỉ tiêu thụ quanh huyện Lục Ngạn. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm xúc tiến thương mại, đưa đi trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ. Đến nay, sản phẩm HTX được nhiều khách hàng biết đến, thị trường tiêu thụ cũng mở rộng hơn, mỗi tháng cung cấp đều đặn từ 25-30 tấn mỳ các loại.
Hiện nay, HTX có hơn 10 dòng sản phẩm, với các dòng mỳ chính: mỳ chũ trắng truyền thống, mỳ ngũ sắc rau củ quả, mỳ gạo lứt huyết rồng và mỳ chũ Green - là sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao. Ngoài các sản phẩm mỳ chũ, HTX vẫn tiếp tục nghiên cứu và sản xuất thêm bún khô , miến dong và mật ong.
Đáng chú ý, mỳ chũ Green là dòng cao cấp, thân thiện với môi trường bởi nguyên liệu sản xuất từ 100% gạo Bao thai hồng trên đất núi Tân Sơn, Cấm Sơn, Kiên Thành… ở Lục Ngạn, Sơn Động và một số huyện của Lạng Sơn.
Theo bà Hương, bí quyết để tạo ra sợi mỳ dai, thơm, thanh vị gạo nằm ở quy trình sản xuất tuân thủ các quy tắc cốt lõi hữu cơ, thuần khiết hương vị tự nhiên, không chất bảo quản, chất phụ gia, công thức gia truyền và bàn tay tài hoa của người nghệ nhân.
Đặc biệt, nguồn nước làm mỳ phải là nguồn nước giếng khơi hiếm có của làng được lọc qua 1 lớp cát và sỏi, kiểm tra định kỳ theo quy trình sản xuất thực phẩm tại vùng đất này. Sau đó, những sợi mỳ được phơi dưới nắng gió hoàn toàn tự nhiên sẽ tạo ra mỳ chũ Green, các sản phẩm mỳ gạo lứt và mỳ rau củ rất tốt cho các vận động viên thể thao, đặc biệt là giảm lượng tinh bột và tăng chất xơ.
Với đặc điểm thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp nên giá gạo Bao thai hồng mua vào đắt hơn 2 lần so với gạo thường. Hơn nữa, thời gian sản xuất kéo dài và cầu kỳ hơn nên giá bán mỳ chũ Green có giá 65.000 đồng/kg, cao hơn so với mỳ truyền thống.
Hiện nay, HTX có 5 xưởng tráng, 25 nhân công làm việc thường xuyên và 30 lao động thời vụ đóng gói, thái mỳ với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu/tháng.
“Quan điểm của HTX là không chạy theo thành tích, số lượng, mà có kế hoạch tăng sản phẩm nhưng không quá nhiều, làm đến đâu chắc đến đó, với tiêu chí OCOP là có thật”, bà Hương khẳng định.
“Hút khách” từ cái nhìn đầu tiên
Được đánh giá cao về chất lượng nên các sản phẩm OCOP của HTX mỳ Trại Lâm sản xuất ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng, lựa chọn.
![]() |
Việc sử dụng bao bì giấy kraft đóng gói sản phẩm là bước ngoặt trong việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng của HTX mỳ Trại Lâm. |
Thế nhưng, đã “tốt gỗ” mà “nước sơn” (mẫu mã, bao bì sản phẩm) chưa được chú trọng thì các sản phẩm OCOP cũng rất khó tiếp cận được khách hàng ở trong và ngoài nước, nhất là những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường.
Từ năm 2019, HTX đã lựa chọn loại giấy kraft cao cấp của Nhật Bản để làm túi đựng mỳ và thuê đơn vị thiết kế mẫu mã, logo in ấn. Nhờ đó, sản phẩm đẹp, bắt mắt và phù hợp làm quà biếu tặng, được nhiều người ưa chuộng.
“Túi giấy kraft giúp sản phẩm giữ được lâu, không hôi mùi dầu và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc tiết chế màu sắc, hoa văn phù hợp, khu vực in mã vạch rõ ràng kết hợp sử dụng chất liệu thân thiện môi trường, sản phẩm mỳ của HTX sẽ “hút khách” ngay từ cái nhìn đầu tiên, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, bà Hương nói.
Sự thay đổi của HTX cho thấy hướng đi chuyên nghiệp hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một bước chuyển mình của HTX để theo kịp với nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, đồng thời mở ra lối đi mới cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bà Hương cho biết, để đưa mỳ chũ Green sang Nhật Bản, HTX đã phải thực hiện nhiều công đoạn kéo dài trong 4 năm, từ 2016 đến cuối 2019, phía Nhật Bản mới chấp thuận đưa sản phẩm vào tiêu thụ và chính thức được xuất khẩu từ cuối năm 2020 với số lượng nhỏ. Đến năm 2021, HTX xuất khẩu được 2 lần với sản lượng 4,5 tấn sang thị trường này.
Đến nay, các sản phẩm mỳ của HTX đã được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Nga, Singapore.
Ban Giám đốc HTX cho hay, với những thị trường khó tính thì quá trình kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt nên tất cả các khâu ngay từ lựa chọn nguyên liệu, HTX đảm bảo các sản phẩm sạch, đặc biệt gạo không biến đổi gen và gửi mẫu kiểm định chất lượng sang thị trường Nhật Bản định kỳ 3 tháng một lần.
“Với hiệu quả từ chương trình OCOP mang lại, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, mẫu mã cung cấp ra thị trường, năm nay, HTX có thêm 2 sản phẩm khác được chọn mang đi dự đánh giá phân hạng OCOP cấp tỉnh. Cùng với đó, HTX sẽ đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng hướng tới đạt tiêu chuẩn 5 sao và tiếp tục tham gia thêm nhiều sản phẩm khác nữa. HTX mong muốn các ban, ngành đoàn thể kết nối xúc tiến thương mại lên các sàn thương mại điện tử và hỗ trợ kinh phí để HTX nỗ lực mở rộng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho xuất khẩu”, Giám đốc HTX mỳ Trại Lâm cho biết thêm.
Mai Ngọc