Gần 10 năm triển khai, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều sản phẩm được gắn sao cấp tỉnh và kiến tạo được số doanh nghiệp, HTX điểm, mang lại hiệu quả tích cực.
Đổi thay diện mạo nông thôn
Tính đến nay, Đắk Lắk đã gắn sao cho 61 sản phẩm tại địa phương. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm này được quảng bá rộng rãi giúp người dân, thành viên HTX ổn định cuộc sống.
Ấn tượng nhất phải kể đến huyện Krông Pắc hiện đã có 9 sản phẩm được gắn sao OCOP cấp tỉnh. Đây là những sản phẩm có tiềm năng phát triển của tỉnh như cà phê, trà mãng cầu, đông trùng hạ thảo...
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Krông Pắc cho biết, Chương trình OCOP là "sân chơi" rất rộng, mang tính chủ lực của từng địa phương, giúp các HTX, người dân tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Để sản phẩm OCOP mang lại kinh tế ngay lập tức cho người dân thì chưa, nhưng về lâu dài, các sản phẩm OCOP sẽ mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho người dân.
“Các sản phẩm khi được công nhận OCOP sẽ được quảng bá đi xa hơn, cao hơn, từ đó được nhiều người biết đến. Đây là tiền đề để các sản phẩm của người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ tốt hơn, giúp người dân, HTX nâng cao thu nhập theo đúng định hướng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, ông Hoàng chia sẻ.
Nhờ phát triển sản phẩm thế mạnh, nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực. |
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển các sản phẩm đặc trưng, thúc đẩy nông thôn mới tại Krông Pắc, dấu ấn của các HTX là tương đối đậm nét. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat là nhân tố quan trọng giúp xã Hòa Đông hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới như hình thức tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn, môi trường, giảm nghèo, an ninh-trật tự…
Bà H’Oanh Niê Kdăm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat cho biết, sản phẩm cà phê bột của đơn vị vừa được gắn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và thương mại sản phẩm cà phê bột của mình trên thị trường tốt hơn. Bởi sau khi đạt chứng nhận OCOP thì giá trị của sản phẩm sẽ được nâng cao rất nhiều.
Tạo đà “nâng chất” nông thôn mới
Tương tự, ở huyện Krông Bông, các HTX cũng có dấu ấn rất rõ ràng trong quá trình triển khai chương trình OCOP, xây dựng nông thôn mới. Điển hình HTX nông nghiệp tổng hợp Thăng Bình, xã Cư Kty.
Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu quy mô 50 ha, đến nay cùng với sự đồng hành của HTX Thăng Bình, mô hình đã lan tỏa đến nông dân các xã Hòa Lễ, Hòa Tân, Yang Reh bắt tay cùng HTX sản xuất giống lúa ST24, ST25, Đài Thơm 8 trên 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cánh đồng lớn đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của “4 nhà”, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp.
Hiện nay, HTX đã và đang chú trọng đến việc xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, định hướng đầu tư xây dựng nhà máy phơi sấy, chế biến, đóng gói và cung ứng thị trường gạo sạch HTB. Đây là loại gạo được sản xuất từ giống lúa ST24 và ST25.
Huyện Cư Kuin cũng đang là địa phương phát triển tốt các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cụ thể, theo Phòng NN&PTNT huyện, địa phương vừa có hai sản phẩm OCOP được gắn sao cấp tỉnh, đó là Trà mãng cầu Bà giáo Tuyền (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại & Dịch vụ Ba Zan Đỏ); Khô bò Phương Khuyên (hộ kinh doanh Dương Thị Phương Khuyên).
Kết quả trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thương mại các sản phẩm lợi thế của địa phương, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Để nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP, huyện đã hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia vào OCOP thực hiện các quy trình kiểm tra về cơ sở, dây chuyền sản xuất, thiết kế bao bì, thực hiện đăng ký mã vạch, mã QR, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngược lại, các nguồn lực từ chương trình OCOP đa và đang hỗ trợ các chủ thể, trong đó có nông dân, thành viên, người lao động HTX, phát triển hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Trong thời gian tới, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục coi việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn là một giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đẩy mạnh Chương trình OCOP để giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng.
Minh Tiến