Tính đến nay, tỉnh Bình Phước đã có 73 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Các xã đạt chuẩn NTM đều hoàn thành tốt các tiêu chí: 100% tuyến đường được bê tông hóa, nhựa hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,8%...
Thôn, xã phát triển
Mới nhất, UBND tỉnh Bình Phước đã công bố xã Long Bình (huyện Phú Riềng) đạt chuẩn NTM và xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) đạt chuẩn NTM nâng cao.
Thời điểm cuối năm 2020, xã Long Bình mới đạt 16/19 tiêu chí, những tiêu chí chưa hoàn thành gồm: giao thông, nhà ở dân cư, giáo dục. Song nhờ triển khai nhiều mô hình, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân và triển khai tốt các chính sách đặc thù, huy động được hơn 56 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, trường học...
Trong hai năm 2020 và 2021, địa phương đã xây dựng được 60km đường giao thông nông thôn, 14 phòng học và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Từ đó thúc đẩy nhiều mô hình sản xuất phát triển, 91% lao động của các xã có việc làm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 64 triệu đồng/năm.
Đối với xã Tân Lập, nhờ tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng, từ năm 2018 đến 2021, xã đã huy động được 45 tỷ đồng đổ bê tông và nhựa hóa gần 28km đường giao thông nông thôn, xây mới 64 phòng học và một số công trình phục vụ sản xuất. Nhờ vậy năng suất lao động tăng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt hơn 70 triệu đồng (tăng gấp 2,4 lần so với năm 2018).
Được biết, Bình Phước là tỉnh biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc xây dựng NTM tại nhiều xã còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt về hệ thống giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa vì phải đầu tư lớn về nguồn vốn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, hình thức sản xuất tại nhiều nơi còn nhỏ lẻ, tự phát, liên kết chưa bền vững, tiềm ẩn những rủi ro... Khắc phục những hạn chế, khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong hai năm qua.
Theo đại diện UBND tỉnh Bình Phước, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương ưu tiên lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong quá trình triển khai các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị phụ trách, quản lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, cùng các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá đúng nhu cầu về nguồn vốn để cân đối, phân bổ, bố trí cho các xã triển khai đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tại các xã đặc biệt khó khăn, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí làm đường giao thông và huy động nhiều nguồn lực, phương tiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở dân cư...
“Số hoá” nông thôn mới
Cũng chính nhờ luồng gió NTM nâng cao nên tư duy của người dân đã đổi thay trong cách làm kinh tế. Đó là ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, chế biến.
Sản phẩm tiêu của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang được công nhận OCOP 4 sao. (Ảnh: Int) |
Đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng NTM, nông dân huyện Lộc Ninh (Bình Phước) giờ đây nhàn nhã hơn với các phương pháp làm nông nghiệp thông minh. Họ cũng nhanh chóng bắt nhịp xu thế thị trường bằng việc sản xuất sạch, có chứng nhận truy xuất nguồn gốc và mạnh dạn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi số đang được coi là yêu cầu tất yếu trong xây dựng NTM, là “chìa khóa” mở ra tương lai cho nông nghiệp, chấm dứt mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả.
29 ha tiêu của 16 thành viên Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) đã được quy hoạch trồng theo quy trình hữu cơ có truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm tiêu được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường, một phần sẽ được HTX thu mua để phục vụ chế biến sâu. Giá bán các sản phẩm sau chế biến cao gấp 2, gấp 3 so với giá tiêu nguyên liệu.
“HTX có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Không chỉ vậy, HTX đã mua thêm máy móc, thiết bị để chuẩn hóa hơn từ khâu chế biến đến đóng gói như: máy xay xát, máy sấy năng lượng mặt trời, máy sấy lạnh, sấy thăng hoa, sấy tách nhiệt, máy tách màu… Sản phẩm hạt tiêu qua chế biến được đóng bao bì, in nhãn mác, hạn sử dụng để người tiêu dùng an tâm. Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, người mua hàng quét qua điện thoại thông minh có thể tra cứu được toàn bộ quy trình sản xuất, thông tin của sản phẩm. Đây là bước đầu tiên để người trồng tiêu thay đổi chiến lược sản xuất trong thời điểm mọi thông tin đều được công khai trên mạng”, anh Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang thông tin.
Để sản phẩm không bị trộn lẫn trên thị trường, HTX xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài. Đồng thời, tận dụng các kênh quảng bá trực tiếp và xây dựng website, giới thiệu sản phẩm qua Facebook, Zalo, YouTube, kênh thương mại điện tử Amazon, Alibaba để hướng tới thị trường xuất khẩu.
Còn với nông dân Nguyễn Văn Toán (ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh), làm nông nghiệp thông minh lại bắt đầu từ những kỹ thuật, công nghệ đơn giản, dễ ứng dụng như hệ thống tưới nước tiết kiệm. Với 2 ha cây ăn trái, ông Toán lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống, chỉ cần thao tác bật công tắc là nước được tưới đến từng gốc cây mà không cần phải kéo ống như trước. Điều này giúp ông tiết kiệm chi phí, nhân công chăm sóc vườn cây. Ngoài sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, hiệu quả mang lại so với làm nông truyền thống đã nâng lên rõ rệt.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho biết, các xã đang đẩy mạnh tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Nhiều sản phẩm đã ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tập trung phát triển thương mại điện tử. Mục tiêu huyện đặt ra đến năm 2025, 100% sản phẩm OCOP của huyện được số hóa, 20% trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp có 5-7 sản phẩm được số hóa.
Nhật Nam