HTX mật ong Cường Nga có 10 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Quyết tâm “làm ăn lớn”, nên các thành viên đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại nhằm tiếp cận với các doanh nghiệp.
Thu "vàng" từ mật VietGAP
Để có sản phẩm mật ong đạt chất lượng tốt nhất, HTX mời các chuyện gia từ Canada và Hội Nuôi ong Việt Nam về tập huấn cho các thành viên kỹ thuật nuôi và khai thác mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nếu như trước đây, người dân nuôi nhỏ lẻ theo kinh nghiệm dân gian thì khi vào HTX, các thành viên đều trải qua lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật. “Việc nuôi ong theo tiêu chuẩn dần đơn giản hơn vì tôi và mọi người được hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc đàn ong “vượt đông”, tránh các vật chủ gây hại cho ong chúa, thu hoạch mật đạt chuẩn…”, ông Nguyễn Văn Tác, thành viên HTX cho biết.
Thay vì người nuôi tự bảo quản thủ công và tiêu thụ nhỏ lẻ, HTX đứng ra thu mua toàn bộ lượng mật thành viên sản xuất, sau đó tinh chế bằng hệ thống máy móc công nghệ Nhật Bản.
HTX đầu tư máy móc hiện đại nhằm phát triển sản xuất theo hướng khép kín. |
“Mật ong sau khi thu hoạch được đưa vào hệ thống lọc thô, hệ thống máy hạ thủy phần để loại bỏ các tạp chất và lượng nước dư thừa, sau đó qua máy lọc tinh chế, đo nhiệt độ tự động và đóng chai theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Tác cho biết.
Chính vì vậy, sản phẩm mật ong Cường Nga xuất ra thị trường đều đạt chuẩn về chất lượng, không bị bồi lắng, không lên men trong quá trình bảo quản. Toàn bộ sản phẩm được dán nhãn mác thương hiệu và mã vạch đúng quy định.
Thông qua tư vấn của các chuyên gia, cuối năm 2019, mật ong Cường Nga được đánh giá xếp hạng 3 sao theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay, sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà vươn đến Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An... Năm 2019, dù mới thành lập, nhưng HTX đã bao tiêu hơn 1.200 lít mật ong cho người nuôi, 8 tháng đầu năm 2020 tiêu thụ được gần 2.500 lít.
Hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ có thể thu về 150 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, khi nâng số lượng đàn, thu nhập của thành viên sẽ tăng nhiều lần.
Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX còn tận dụng ưu thế của mạng xã hội và tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm và tiếp cận với đa dạng khách hàng.
Tận dụng nguồn lực để phát triển
Theo đánh giá của UBND xã Quang Diệm, HTX Cường Nga là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu đang hoạt động hiệu quả theo định hướng xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã. Khi đạt chuẩn OCOP, HTX không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên và hàng chục hộ vệ tinh, mà còn góp phần phát triển nghề truyền thống và sản phẩm đặc trưng. Đây là điều kiện đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Nuôi ong lấy mật đang là một trong những ngành nghề cho giá trị kinh tế cao tại địa phương. |
Nuôi ong lấy mật đang trở thành nghề triển vọng tại xã Quang Diệm, vì đã có HTX đầu tư máy móc nên việc bảo quản thuận lợi hơn. Người dân cũng tự tin phát triển số lượng đàn bởi đây là một nghề đầu tư ít nhưng cho lợi nhuận tương đối cao.
Ngoài phát triển nuôi ong theo hướng hàng hóa, toàn xã đến nay có 86 mô hình sản xuất các loại, trong đó có 7 mô hình có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên, thu hút 17 doanh nghiệp, phát triển được 3 HTX, 203 hộ kinh doanh cá thể. Tổng giá trị sản xuất đạt 221,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống người dân; đời sống văn hóa, vật chất người dân được nâng cao.
Nhằm tiếp tục phát triển kinh tế xã hội và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022, thời gian tới, xã sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: khai thác tiềm năng lợi thế vườn, đất rừng, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển cây, con chủ lực theo hướng liên kết, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời, phát triển nông, lâm nghiệp theo chiều sâu gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Riêng đối với HTX Cường Nga, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng hạng sản phẩm mật ong lên 4, 5 sao để có thể xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX tiếp tục liên kết với các hộ dân để tăng sản lượng, chất lượng mật đi liền với việc cung cấp con giống, nhằm đưa nghề nuôi ong phát triển theo hướng bền vững.
Như Yến