Hiện nay, HTX Thành Tân có 100 ha măng tre, mỗi ha cho năng suất bình quân khoảng 10-15 tấn/năm, những hộ chăm sóc tốt có thể đạt 25 tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục phục cho công đoạn chế biến măng khô.
Nâng chất lượng, giảm ô nhiễm
Để có sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX đã lựa chọn quy trình VietGAP. Hiện, HTX xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy sấy và các thiết bị cần thiết với kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Sấy măng là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất và cũng là công đoạn quan trọng để kéo dài thời gian bảo quản.
Thông thường, một số địa phương dùng phương pháp sấy thủ công trên tấm tôn được làm nóng bằng bếp củi hoặc phơi nắng, nhưng mùa măng lại là mùa mưa nên việc làm khô măng thường rất khó khăn. Có khi để 2 - 3 ngày không có nắng là măng sẽ mốc không sử dụng được nữa.
Theo Ban giám đốc HTX, những phương pháp trên đều rất tốn nhiều thời gian, nhân công và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường bởi khói bụi, mùi hôi. Chính vì vậy, HTX không ngại đầu tư hệ thống máy sấy công nghiệp sử dụng điện.
Quá trình sấy được chia làm hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn một chiếm 90% tổng thời gian sấy. Ở giai đoạn này, nhiệt độ duy trì ở mức 50-60 độ C để sản phẩm được khô đều từ trong ra ngoài. Màu sắc măng không bị sậm màu hay thâm đen.
Đầu tư máy sấy là hướng đi đúng đắn khi giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Giai đoạn 2 tuy chỉ chiếm 10% tổng thời gian sấy nhưng lại quyết định thời gian bảo quản kéo dài bao lâu. Ở giai đoạn này , nhiệt độ được tăng lên 65-75 độ C nhằm thoát hết toàn bộ lượng ẩm còn sót lại trong măng. Mục đích chính là diệt hết các mầm nấm hay vi sinh vật gây hại có trong sản phẩm để gia tăng thời hạn sử dụng.
Sản xuất theo quy trình khép kín, không chịu sự tác động của bụi bặm, kết hợp với quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm của HTX luôn được thị trường đánh giá cao. Quy trình sản xuất cũng không gây ô nhiễm môi trường như các phương pháp truyền thống.
Măng sấy khô được bán với giá 520 ngàn đồng/kg. HTX đã trang bị 1 xe tải 1,25 tấn để chuyên chở cho các đại lý ở trong và ngoài tỉnh.
Để phục vụ thị trường, ngoài nguồn măng tươi của thành viên, HTX đứng ra thu mua măng của các vùng lân cận với giá 7.000-9.000 đồng/kg về chế biến. Còn sản phẩm thu trái vụ thường thu mua với giá 20-30 ngàn đồng/kg. Măng tơ sẽ cho thu trái vụ khoảng 3 năm, sau đó chỉ thu hoạch chính vụ, vì thế HTX cũng như các thành viên sẽ tiếp tục tăng mới diện tích măng tre để thu hoạch trái vụ.
Gia tăng sản xuất
Hiện các thành viên đều kết hợp trồng măng với chăn nuôi lợn với quy mô lên đến hàng nghìn con theo quy trình an toàn sinh học. Để tận dụng tối ưu nguồn chất thải, HTX đầu tư 2 bể lắng và hầm biogas xử lý chất thải sau đó tận dụng làm phân bón cho vườn măng tre. Ngoài ra, một số thành viên còn đầu tư máy bơm và hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt. Nhờ có phân, nước đầy đủ nên tre có thể cho măng quanh năm.
Anh Trần Văn Quyền, thành viên HTX, chia sẻ: Vì sản xuất theo quy mô lớn, phân chuồng ủ vi sinh, nước thải từ công trình biogas được xử lý đã cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây tre, nên hầu như thành viên không phải sử dụng phân bón hóa học. Hiện, diện tích cây tre phát triển tốt, do sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn.
Trồng tre giúp mang lại nhiều nguồn thu cho HTX. |
Ngoài thu hoạch măng, HTX còn có thêm thu nhập từ các phụ phẩm như cây tre già khi dọn vườn, lá tre. Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ làm đồ mỹ nghệ, đũa, tăm… nên đầu ra tương đối thuận lợi.
Hiện, các phụ phẩm của cây tre như thân, lá được thương lái ở miền Tây đến tận vườn thu mua với giá từ 8.000-10.000 đồng/cây, 20.000 đồng/kg lá. Tổng tiền thu từ sản xuất của mỗi thành viên có thể lên đến 150-300 triệu đồng/năm.
Điều đặc biệt là khi tham gia HTX, các thành viên được tư vấn kỹ thuật trồng cho năng suất cao, hỗ trợ về giá khi mua phân bón, được định hướng liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế cao hơn, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá.
Theo đánh giá của UBND xã Thành Tâm, việc HTX đầu tư trồng tre lấy măng phục vụ chế biến theo hướng bền vững là một giải pháp tốt đem lại nguồn thu nhập đáng kể, nhiều hộ khá lên nhờ trồng tre. Hơn nữa, cây tre dễ trồng nên bà con trồng nhiều, tiềm năng phát triển trồng tre lấy măng còn rất lớn, khả năng có thể cung ứng cho thị trường hàng trăm ngàn tấn măng tươi, khô mỗi năm.
Trước tiềm năng của thị trường, thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích và tìm thêm các nguồn bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ nông dân mở rộng sản phẩm ra thị trường.
Theo Ban giám đốc HTX, trồng tre lấy măng không chỉ cho giá trị kinh tế mà còn giúp hạn chế xói mòn, sạt lở đất. Chính vì vậy, HTX rất mong nhận được sự hỗ trợ của địa phương trong việc kết nối với doanh nghiệp nhằm tạo thành chuỗi giá trị bền vững.
Như Yến