Theo Ban giám đốc HTX, nuôi tôm công nghệ cao giúp HTX đủ điều kiện ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, khi kết hợp sử dụng công nghệ biofloc giúp tỷ lệ tôm sống đến khi xuất bán luôn đạt 80 - 90%. Chính vì vậy, HTX yên tâm sản xuất mỗi năm 4 vụ.
Đưa công nghệ vào sản xuất
Tại nhiều địa phương, mô hình nuôi tôm công nghệ cao bắt đầu trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đi liền với năng suất tăng, giá trị kinh tế lớn là hiện tượng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do người dân chỉ chú tâm vào phát triển sản lượng mà quên đi công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước.
Trước thực trạng này, ngay khi đi vào sản xuất, HTX Tân Hưng chú trọng thiết kế ao nuôi có đáy phù hợp để thuận tiện cho việc thu gom chất thải của tôm bằng dụng cụ xi phông đáy. Cứ 2 giờ, cặn bã trong ao được hút một lần, nên nguồn nước nuôi tôm không còn cặn bã từ chất thải để lâu.
Không dừng lại ở đó, HTX còn đầu tư máy xử lý nước bằng tia cực tím, cấp nước trực tiếp cho ao nuôi tôm không phải qua hệ thống ao lắng lọc và xử lý, giúp thành viên tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Chú trọng bảo vệ môi trường giúp thành viên HTX giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
“Việc xử lý nước nuôi tôm khiến chất lượng nguồn nước cấp toàn vùng đảm bảo, từ đó hạn chế dịch bệnh lây lan, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững”, Giám đốc HTX Huỳnh Xuân Diện chia sẻ.
Về kỹ thuật, HTX áp dụng quy trình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn (ương và nuôi) theo công nghệ biofloc. Nhờ đó, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, không xuất hiện hội chứng tôm chết sớm, kích cỡ tôm lớn và hình thức đẹp. Đặc biệt, trong quá trình ương và nuôi, nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với nuôi thông thường.
Trong quá trình sản xuất, các thành viên luôn tìm tòi, nghiên cứu và đã cải tiến thành công chiếc bơm chìm thành máy phun nước, dùng vào mục đích hạ nhiệt độ nước trong ao nuôi tôm vào những ngày nắng nóng và giải phóng khí độc, giúp tôm nuôi sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch.
Không ngừng cải tiến
Điểm nổi bật của tôm thẻ chân trắng là cho năng suất cao và thời gian thu hoạch ngắn, nên được các thành viên HTX lựa chọn thả nuôi.
Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất là tôm thẻ chân trắng có tập tính thường xuyên đào bới đáy ao, dẫn đến sau một thời gian thả nuôi, nguồn nước trong ao bị đục, làm cho môi trường bị biến động, tiềm ẩn xảy ra rủi ro thiệt hại vì tôm chết.
Sau nhiều lần đi thực tế ở trong và ngoài nước, cộng với kinh nghiệm, HTX đã thay bạt đen dưới đáy ao bằng lưới mành. Theo Ban giám đốc HTX, nếu như sử dụng bạt thì mỗi ao (1.600m2) tốn khoảng 60 triệu đồng, trong khi đổi sang lưới mành thì chỉ cần 16 triệu đồng, nhưng năng suất, chất lượng vẫn như nhau.
Điểm nổi bật là sử dụng lưới mành giúp nguồn nước trong ao không bị đục, bởi tôm không thể sục xuống bùn dưới đáy ao để kiếm thức ăn.
Nhờ chủ động trong sản xuất, từ nuôi mật độ 50 - 70 con/m2, HTX đã tăng lên lên 500 - 700 con và hiện nay là 1.000 con/m2 nhưng vẫn bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước, tôm vẫn lớn nhanh, hoàn toàn không phải sử dụng kháng sinh, hóa chất.
Nguồn tôm chất lượng là điều kiện cần và đủ để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp. |
Hiện nay, HTX Tân Hưng đang thu hút 60 thành viên sản xuất trên diện tích 60ha, năng suất đạt 40 tấn/ha/vụ. Tôm của HTX luôn được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng.
Ngoài việc ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, HTX cũng hỗ trợ thành viên nguồn thức ăn với giá rẻ hơn thị trường 1.000 đồng/kg và 10 - 15% đối với con giống.
Đến nay, thành viên có nguồn thu thấp nhất trong HTX là 300 triệu đồng/năm, thu nhiều lên tới trên 1,4 tỷ đồng/năm. Hiện, không còn hộ nào trong HTX thuộc diện nghèo.
Thành công của HTX Tân Hưng đã mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương khi vừa giải quyết được những khó khăn trong sản xuất, vừa nâng cao được năng suất và chất lượng môi trường.
Hiện, HTX mong muốn các cấp ngành có thêm các chính sách hỗ trợ về vốn, tập huấn kỹ thuật. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác quản lý về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, ngăn chặn tình trạng tôm giống kém chất lượng lưu chuyển trôi nổi ngoài thị trường để tạo động lực cho người dân yên tâm gắn bó và phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Huyền Trang