Huyện Tuy Phước có 11 xã, đến nay có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1 xã còn lại đang phấn đấu đạt chuẩn vào quý III/2020 là Phước Thắng. Cùng với đó, huyện xây dựng 2 thị trấn văn minh, trong đó chọn xã Phước Hưng, Phước Lộc thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Tái cơ cấu gắn với ứng phó biến đổi khí hậu
Điểm nhấn trong quá trình thực hiện NTM của huyện chính là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này giúp huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả, toàn diện và bền vững, tạo điều kiện để các xã hoàn thành nhiều tiêu chí cùng một lúc trong xây dựng NTM.
Trên lĩnh vực trồng trọt, Tuy Phước hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Hiệp. Trong đó, lấy các HTX nông nghiệp ở các địa phương làm trung tâm để hỗ trợ người dân sản xuất.
Đến nay, các HTX đã phát triển được cánh đồng mẫu lớn cho năng suất trung bình khoảng 78-83 tạ/ha như HTX nông nghiệp Phước Hưng 360 ha, HTX Phước Sơn 223,7 ha, HTX Phước Lộc 120 ha, HTX Phước Quang 105 ha, HTX Phước Hiệp 89 ha, HTX Phước Thuận 49 ha, HTX Phước Thắng 35 ha, HTX Phước An 16 ha. Ngoài ra, thị trấn Tuy Phước cũng phát triển được 6 ha.
Thu hoạch lúa tại HTX nông nghiệp Phước Hưng (Ảnh: TL) |
Các HTX đều liên kết được với các doanh nghiệp lớn trên cả nước để thu mua thóc cho thành viên và người dân. Bình quân giá thành sản xuất 1 kg lúa giống chưa tới 3.000 đồng, nhưng lãi ròng 1 ha hơn 41,3 triệu đồng, trong khi hộ nào không tham gia HTX thu về chỉ 26,5 triệu/ha.
Quá trình sản xuất còn được các HTX áp dụng phương pháp 3 giảm (giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón và giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật), tính ra giúp các thành viên giảm chi phí sản xuất so với ruộng ngoài mô hình hơn 1,6 triệu đồng/ha.
Quá trình sản xuất được sự giúp đỡ của Nhà nước và doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc sinh học nên ruộng giống phát triển tốt, bảo vệ môi trường, lúa ít bị đổ hay mắc dịch bệnh khi thời tiết biến đổi thất thường.
Ngoài trồng lúa, huyện còn cùng các HTX tại các địa phương quy hoạch một phần diện tích để trồng rau màu và cây ăn quả. Đến năm nay, toàn huyện trồng 80 ha đậu nành, 350 ha đậu phụng và 2.130 ha rau các loại; trong đó mở rộng mô hình chuyên canh trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đơn vị đi đầu trong lĩnh vực rau màu chính là HTX nông nghiệp Phước Hiệp khi chú trọng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 5,7 ha, thu hút 87 hộ tham gia. Đến nay, HTX đã tư xây dựng nhà sơ chế sản phẩm. Cơ sở hạ tầng (kênh mương phục vụ tưới tiêu, đường sá…) cũng được HTX đầu tư.
Nắm rõ được quy trình, các thành viên chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cho phép, đảm bảo an toàn và thời gian cách ly, ghi nhật ký chăm sóc để ứng phó với những sự cố bất ngờ xảy ra.
Rau sau khi thu hoạch được cắt, rửa; loại bỏ lá héo (úa); xử lý ôzôn; đưa vào máy ly tâm; chọn lọc và cân; đóng gói thành phẩm và đưa ra thị trường.
HTX chú trọng các buổi hội nghị khách hàng, tìm kiếm thị trường, xây dựng logo thương hiệu để có thể vào các siêu thị Coopmart, Big C, chợ Đầm, chợ Lớn (Tp. Quy Nhơn) và lan ra các chợ lân cận…
Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác
Khi toàn huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong xây dựng NTM thì các địa phương đã phải xác định lại thế mạnh của mình là gì, sản phẩm nào có lợi thế nhất để phát triển. Cùng với đó là việc trả lời các câu hỏi về nhu cầu thị trường, nhà đầu tư, sự liên kết theo chuỗi khép kín.
Trước vấn đề này, huyện khuyến khích nhân dân phát triển theo hình thức tổ, nhóm đồng sở thích. Còn những địa phương nào đủ mạnh, có nền tảng vững chắc thì thành lập hoặc tiếp tục phát triển mô hình HTX kiểu mới.
HTX có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội |
Những người đứng đầu huyện Tuy Phước cũng cho rằng muốn đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chống biến đổi khí hậu hiệu quả thì cần phải tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn cho nông dân, các tổ, nhóm, HTX. Qua đó, tìm hiểu thực tế những khó khăn, vướng mắc của thành viên, nông dân trong quá trình sản xuất để khắc phục.
Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án “phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020” để người dân hiểu rõ vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và xây dựng NTM.
Trên cơ sở đó, một số HTX đã sáp nhập, hoặc tổ chức đại hội chuyển đổi theo Luật HTX. Đến nay, huyện đã có 14 HTX nông nghiệp, hỗ trợ đắc lực trong phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao kinh tế, bảo vệ môi trường… Đây cũng là nền tảng vững chắc để huyện phát triển đồng bộ các mặt kinh tế xã hội, tạo đà vững chắc để hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM.
Hy vọng với nền tảng vững chắc này, Tuy Phước sẽ là huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 45 - 50 triệu đồng/năm.
Như Yến