Hiện, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã triển khai 23 chuỗi cung ứng thực phẩm rau, gia súc, gia cầm, thủy sản, chè an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, 47 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn đã được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi với các HTX, doanh nghiệp lớn trong nước.
Định hướng sản xuất theo kế hoạch
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ, việc tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị giúp nông dân định hướng sản xuất theo kế hoạch, bám sát nhu cầu thị trường tiêu thụ. Khi tham gia chuỗi liên kết, nhà phân phối cũng ổn định được giá và sản lượng đầu vào, kiểm soát được chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín, mở rộng thị trường và quy mô thương mại.
Chuỗi cung ứng thịt gà an toàn của HTX An Phú hoạt động hiệu quả mang lại thu nhập cao cho thành viên (Ảnh: Tư Liệu) |
Là chuỗi cung ứng thịt gà an toàn hàng đầu huyện Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp An Phú (xã Địch Quả) đã kết nối các hộ chăn nuôi với nhau để xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Hiện tại, HTX có trên 20 thành viên, duy trì tổng đàn trên 100.000 con/lứa. HTX đã triển khai đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho gà để xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ông Phạm Quốc Tuân - Giám đốc HTX cho biết: HTX áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ trong chăn nuôi gà, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong suốt quá trình chăn nuôi. HTX liên kết các hộ để tiêu thụ sản phẩm cho các chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Với giá bán bình quân khoảng 75.000 đồng/kg, các thành viên HTX thu về lợi nhuận khoảng 20.000 đồng/kg.
Bên cạnh chuỗi cung ứng thịt gà của huyện Thanh Sơn, chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản gồm: Rau, hoa quả, gà, lợn của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc (huyện Hạ Hòa) cũng hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao không kém. HTX thực hiện liên kết các nông hộ và các trang trại chăn nuôi tuân thủ quy trình sản xuất an toàn sinh học, hình thành chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm sạch tới người tiêu dùng.
Ông Bạch Đức Vượng - Thành viên HTX cho biết: "Chuỗi cung ứng nông sản an toàn của chúng tôi được xây dựng trên cơ sở chọn giống có nguồn gốc, chống chịu sâu bệnh và sạch bệnh, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh. Chúng tôi chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết với liều lượng vừa và đủ, cách ly trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày".
Phú Thọ đặt mục tiêu các huyện phải hình thành ít nhất 1 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn (Ảnh: TL) |
Để bảo đảm cân đối cung - cầu, HTX chủ động phân bố cơ cấu mỗi loại rau, củ, quả, thời vụ hợp lý. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi, tạo sự chuyển biến, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Hiện nay, HTX có 50 hộ sản xuất với diện tích canh tác rau của các hộ trong chuỗi liên kết khoảng trên 2ha, cây ăn quả 6ha, gà khoảng 8.000 con, lợn trên 1.000 con.
Phát triển điểm kinh doanh thực phẩm an toàn
Ngoài 2 chuỗi cung ứng nông sản an toàn trên, tỉnh Phú Thọ còn có các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn khác như: Chuỗi cung ứng thịt gà tại TP Việt Trì; chuỗi cung cấp thịt lợn huyện Lâm Thao; chuỗi cung cấp gà nhiều cựa tại huyện Tân Sơn; chuỗi cung cấp thịt lợn tại huyện Tam Nông; chuỗi cung cấp thực phẩm lợn thịt nuôi theo quy trình dùng thức ăn chăn nuôi thảo dược tại huyện Đoan Hùng; chuỗi cung cấp thịt chua, nem sợi tại huyện Thanh Sơn; chuỗi cung ứng sản phẩm chè chất lượng cao Bảo Long; chuỗi cung cấp rau an toàn huyện Lâm Thao; chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn tại huyện Cẩm Khê; chuỗi cung cấp nông sản an toàn huyện Đoan Hùng…
Những chuỗi giá trị này chính là kết quả của các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi cho hiệu quả cao mà ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ xây dựng. Kế hoạch trong năm nay, các huyện trên địa bàn tỉnh phải hình thành ít nhất 1 điểm kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; riêng TP Việt Trì và thị xã Phú Thọ hình thành 2 điểm phục vụ, đưa các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Để hoàn thành mục tiêu này, ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định đơn vị sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung phối hợp thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Cùng với đó, chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm.
Tiến Minh