Thực tế không riêng các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, mà cả những HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, xây dựng đều điêu đứng...
Loay hoay trong dịch bệnh
Ông Vũ Văn Độ – Giám đốc HTX Thủy sản Sông Hóa (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo) cho biết, theo đúng kế hoạch thì việc xuất bán cá giống của HTX đã hoàn thành trong tháng 2, đầu tháng 3, tuy nhiên đến nay vẫn còn tồn đọng khoảng gần 50 tấn cá giống các loại. Nguyên nhân của việc cá giống không bán được là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển cá đến các tỉnh, thành khác để tiêu thụ gặp khó khăn. Thêm vào đó, nhiều chủ đầm nuôi trồng cũng đang hoang mang chưa biết khi nào dịch kết thúc nên chưa dám xuống giống nuôi. Cá không bán được, mà tiền thức ăn cho cá giống vẫn phải chi trả. Hiện, mỗi ngày gia đình ông Độ đang phát sinh thêm khoảng 7-8 triệu tiền cám cho cá ăn.
Cung cấp thông tin cho phóng viên, nhiều thành viên khác của HTX Thủy sản Sông Hóa rất lo lắng vì cá giống ngày càng lớn, vượt kích cỡ thì nay mai có hết dịch cũng rất khó bán. Nếu HTX tiếp tục để nuôi lớn thành cá thương phẩm bán thì cũng không có diện tích đầm nuôi vì hiện tại lượng cá giống tồn quá lớn đến hơn 50 tấn. Bản thân những hộ nuôi cá giống của HTX cũng chưa biết vượt qua khó khăn này bằng cách nào.
Mỗi ngày gia đình ông Độ (HTX Thủy sản Sông Hóa) phát sinh thêm 7-8 triệu đồng tiền thức ăn cho cá giống tại tất cả các đầm nuôi. Ảnh T.V |
Tương tự là HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên (huyện Tiên Lãng). Trước đây, bình quân mỗi ngày, HTX thu mua hơn 20.000 quả trứng vịt, gà các loại. Sản phẩm trứng sau khi được HTX đứng ra thu gom đa số được cung cấp đến các bếp ăn tập thể, các chợ đầu mối, đại lý, và các nhà máy sản xuất bánh kẹo… HTX ký hợp đồng thu mua trứng với các hộ nuôi, các trang trại và sản phẩm trứng của HTX đã đăng ký truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Giám đốc Nguyễn Văn Chiêu cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và cả dịch cúm gia cầm vừa qua nên các nhà máy sản xuất bánh kẹo mà HTX cung cấp trứng gà chưa đẩy mạnh hoạt động sản xuất như mọi năm, nên việc bán buôn của HTX đang gặp khó khăn.
Nhiều HTX nông nghiệp khác tại Hải Phòng như HTX Thắng Thủy, HTX Tiên Thanh, HTX Tân Tiến... nhiều năm liền đều nằm trong Top các đơn vị hoạt động hiệu quả thì nay cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. HTX Thắng Thủy đã đầu tư gieo trồng cánh đồng hoa hướng dương từ trước Tết Nguyên đán, dự kiến khai thác, thu hoạch vào tháng 3 dương lịch... nhưng đến nay hoa sắp tàn mà vẫn chưa tiêu thụ được.
Bà Đồng Thị Doanh - Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn (huyện Kiến Thụy) cho biết: Năm ngoái, HTX điêu đứng do thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Để tìm hướng đi mới, giữa năm 2019, HTX đầu tư 1ha nhà lưới để trồng rau sạch cung cấp chủ yếu cho các trường mầm non trên địa bàn huyện. Nay do dịch bệnh, các trường tạm dừng đóng cửa. Rau sạch cần đầu tư lớn, mà giờ mang ra ngoài chợ bán lỗ vốn.
Cần sớm triển khai những chính sách hỗ trợ HTX
Nhiều HTX hoạt động trong các lĩnh vực vận tải taxi, xây dựng cũng đều trong tình trạng khó khăn vì theo thông báo của TP Hải Phòng, các hãng taxi đang tạm dừng hoạt động... Các công trình đầu tư bằng nguồn ngân sách chưa triển khai tại Hải Phòng cũng tạm dừng triển khai, kéo theo đó là một số HTX chuyên xây dựng các công trình cầu, đường, nhà văn hóa... không có việc.
Những năm trước, HTX xây dựng 670 (Đồ Sơn) làm không hết việc, thì năm nay các công việc ký kết được để triển khai không nhiều. Ảnh T.V |
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, hiện có khoảng 60 - 70% số các HTX nông nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 và trước đó là dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, mưa đá, hạn mặn... đối với sản xuất kinh doanh ở các mức độ khác nhau.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nông dân, HTX duy trì sản xuất trong vụ hè thu từ tháng 4 - 7/2020. Nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể đã được Bộ NN&PTNT đề xuất như bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục vùng sản xuất, vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Hỗ trợ tín dụng cho các HTX nông nghiệp, cho vay đầu tư xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản tái cấu trúc sản xuất, mua cây, con giống, tái đàn, mở rộng sản xuất ngay khi hết dịch; Hỗ trợ chi phí bảo quản kho hàng hoá, nông sản cho các HTX gặp khó khăn do tiêu thụ sản phẩm trong năm 2020; Miễn, giảm hoặc khoanh nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các cán bộ quản lý HTX bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19...
Tuy nhiên, hầu hết các chính sách hỗ trợ HTX trong đại dịch Covid-19 đang dừng ở mức “đề xuất, dự kiến”, chưa triển khai trực tiếp tại các địa phương. Hơn lúc nào hết, các HTX tại Hải Phòng đang ngóng chờ những hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể để vượt qua khó khăn này.
Thanh Vân