Theo đánh giá của UBND huyện Sìn Hồ, các HTX đã và đang phát huy được vai trò, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tận dụng được nhiều tiềm năng thế mạnh ở địa phương. Sự phát triển của các HTX cũng là minh chứng cho “sức sống mới” của huyện sau 10 năm xây dựng nông thôn mới.
Thế mạnh cây dược liệu
Sìn Hồ được biết đến là “thủ phủ” của các loại dược liệu. Nơi đây có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cùng với nghề bốc thuốc gia truyền đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.
Để phát huy những giá trị này, HTX Mý Dao (thị trấn Sìn Hồ) chú trọng vào sơ chế, chế biến, đồng thời liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản phẩm đặc trưng.
Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ có thể mua dược liệu phơi khô về đun 5-6 giờ đồng hồ dùng làm thuốc thì nay, HTX thực hiện nấu cao vừa tiện lợi, vừa tạo ra sản phẩm hoàn hảo giữ được nguyên vẹn chất thuốc tự nhiên. “Sản phẩm này phù hợp với những ai không có điều kiện đun sắc thuốc như ở thành phố hay những người bận rộn, lại dễ dàng vận chuyển và bảo quản”, chị Tẩn Mý Dao, Giám đốc HTX cho biết.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thăm gian hàng của HTX Mý Dao. |
Ngoài sản phẩm thuốc tắm người Dao, HTX còn có sản phẩm phong tê thấp gia truyền, táo mèo, dấm táo mèo. Đặc biệt, sản phẩm phong tê thấp gia truyền đã đạt 3 sao OCOP, còn sản phẩm táo mèo, dấm táo mèo là 2 trong 5 sản phẩm đang tham gia chương trình OCOP của huyện năm 2020.
Hoạt động sản xuất của HTX Mý Dao không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, tạo tính bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).
Cũng sản xuất những sản phẩm từ dược liệu, HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ đang tập trung vào chế biến và mở rộng thị trường.
Ngay từ những ngày đầu hoạt động, HTX thu hút, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương. Nhưng để mở rộng sản xuất, HTX gặp khó khăn về mặt bằng xây dựng nhà xưởng chế biến và vùng trồng nguyên liệu. Sẻ chia với khó khăn này, huyện đã có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện và hỗ trợ HTX cơ bản đảm bảo nhu cầu về đất trồng dược liệu và xây dựng khu chế biến. Khi đảm bảo tư liệu, HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, bảo đảm doanh thu, thu nhập cho người lao động từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Trước đây, các HTX trên địa bàn huyện Sìn Hồ gặp không ít khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng nhận thấy vai trò của kinh tế hợp tác trong xây dựng NTM, huyện đã tích cực hỗ trợ các HTX phát triển theo hướng hàng hóa nhằm tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương cũng như tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững.
Đến nay, một số HTX như: Gia Minh (thị trấn Sìn Hồ), Sâm - Tam Thất (xã Sà Dề Phìn), Thủy Cương (xã Lùng Thàng) đã nhanh chóng khẳng định được uy tín, tạo được việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định.
'Tô điểm' diện mạo nông thôn
Thành tựu phát triển HTX cũng là nền tảng để huyện Sìn Hồ gặt hái được những thành công sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Đến cuối năm 2019, toàn huyện đã có 3 xã được công nhận đạt 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM là Chăn Nưa, Nậm Tăm, Nậm Mạ, từ đó đưa huyện đạt 281 tiêu chí, tăng 61 tiêu chí so với năm 2015. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 - 5%/năm; 96% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Sìn Hồ cũng mở 2 tuyến đường tới trung tâm xã, 16 tuyến liên thôn bản và 133km đường nội bản, gần 260km đường nội đồng. Đồng thời, đầu tư mới 52 công trình thủy lợi, các công trình sau đầu tư được sử dụng hiệu quả. 20 xã được sử dụng điện lưới quốc gia và 8 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất trường học. Hạ tầng cơ sở được đầu tư phát huy hiệu quả phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Sản lượng lương thực hiện đạt hơn 43,2 nghìn tấn, lương thực đầu người đạt 521,3kg/người/năm. Trên địa bàn dần hình thành vùng sản xuất tập trung và có nhiều chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM.
Người dân Sìn Hồ tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Hệ thống chính trị cơ sở của huyện không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh; an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn được giữ vững, ổn định; hoạt động văn hóa, thể thao được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn nâng lên 28 triệu đồng và phấn đấu đến năm 2025 có 15 xã đạt chuẩn NTM.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng các HTX như hỗ trợ về vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục tiếp cận nguồn vốn đơn giản, đảm bảo tính pháp lý. Ngoài ra, huyện sẽ hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra. Đây sẽ là động lực để các xã hoàn thành và giữ vững các tiêu chí NTM.
Như Yến