Vĩnh Long là một trong những tỉnh phát triển nông nghiệp khá mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, diện tích lúa của tỉnh đạt trên 130.000ha. Diện tích cây ăn trái là trên 68.000ha, trong đó khoảng 52.000ha đang cho trái, lớn thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Một số loại rau, củ, quả chủ lực của Vĩnh Long như khoai lang, cam sành, nhãn, bưởi da xanh, bưởi năm roi, chôm chôm, sầu riêng… tham gia thị trường xuất khẩu và trong nước.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư
Trước diện tích nông sản lớn, Vĩnh Long coi đây là thế mạnh để đầu tư cho chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông dân, thành viên HTX, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt khoảng 30 triệu USD, góp phần vào mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 8 đến 10 tỷ USD.
Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; giảm tổn thất sau thu hoạch rau quả đến 2030 đạt nhỏ hơn 10%; trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến đạt 24.000 tấn sản phẩm/năm gấp đôi so với năm 2020.
Muốn làm được điều này, thời gian qua, tỉnh đã thu hút doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa đầu tư vào nông nghiệp thông qua việc liên kết với người dân, HTX để phát triển kinh tế hàng hóa.
Tiêu biểu như công TNHH Thương mại Dịch vụ Song Toàn Phát (Tiền Giang) đã liên kết với HTX, doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu khoai lang bảo đảm chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu trên diện tích 370ha, có mã số vùng trồng. Doanh nghiệp này cũng đầu tư hệ thống máy móc sơ chế, cơ sở đóng gói ngay tại vùng trồng theo đúng quy định với sự giám sát, hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long.
Cùng đầu tư và liên kết với nông dân, HTX trong việc sản xuất, thu mua khoai lang xuất khẩu, công TNHH TMV chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam (thị trấn Tân Quới) cũng đã có kế hoạch trong hỗ trợ người dân, HTX xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, HTX trồng khoai lang tại huyện Bình Tân. Điều này giúp người dân ổn định đầu ra, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vì không phải đi các địa phương khác thu mua nguyên liệu. Trong khi việc thu mua khoai lang ngay tại địa phương để xuất khẩu và chế biến giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
Hình thành liên kết
Ngoài các doanh nghiệp trên, Vĩnh Long còn thu hút được một số doanh nghiệp khác đầu tư vào nông nghiệp như Công ty Đông Phát Food chuyên chế biến khoai lang, chuối ở Bình Tân. Công ty Quốc Thảo (huyện Long Hồ) chế biến khóm, nấm rơm…
Bên cạnh đó, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng chủ động liên kết, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, ký kết hợp đồng để hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Tân Tiến (huyện Tam Bình) đã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu thông qua hợp đồng. Hàng vụ, HTX và doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương có thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả và cùng thỏa thuận giá khi đến thời kỳ thu hoạch. Mô hình sản xuất và liên kết của HTX Tân Tiến và doanh nghiệp được đánh giá là góp phần rất lớn trong chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Khoai lang tím ở Vĩnh Long đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư thông qua liên kết với HTX. |
Tại HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ xã Hiếu Thuận (Huyện Vũng Liêm), nhờ liên kết trực tiếp với công ty TNHH Lương thực Master Ruma (huyện Tam Bình) mà giá lúa của thành viên bán ra luôn cao hơn 1.000 đồng so với giá thị trường. Nhờ chú trọng sản xuất hữu cơ, HTX đã thu hút được chính doanh nghiệp này làm thành viên, từ đó tạo thuận lợi cho HTX trong quá trình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long, trong những năm gần đây, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và có giá trị gia tăng khá ổn định trong từng khâu liên kết. Hiệu quả mang lại từ các chuỗi liên kết cũng khá tích cực. Trong đó, đầu ra cho nông sản đã phần nào được tháo gỡ, nhiều nông sản đã được sơ chế, chế biến theo hướng chuyên nghiệp phục vụ xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Việc các HTX liên kết xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp như hiện nay là một nhu cầu cấp bách và cũng là xu thế phát triển tất yếu của HTX.
Thúc đẩy nông thôn mới
Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp chính là nền tảng để tỉnh đưa sản xuất đồng nhất theo các quy trình khoa học, tạo sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, GAP, đảm bảo được các tiêu chí của chương trình OCOP và thúc xây dựng nông thôn mới.
Thống kê cho thấy, các chuỗi liên kết nông nghiệp với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX đã giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như: hình thức tổ chức sản xuất, giảm nghèo, môi trường, thu nhập… Chính vì vậy mà đến nay toàn tỉnh đã có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 69/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24/69 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Chương trình OCOP "Mỗi xã một sản phẩm" đã đạt nhiều kết quả tích cực với 107 sản phẩm đạt chuẩn 3, 4 sao.
Đánh giá của ngành nông nghiệp cho thấy, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp và liên kết với HTX là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân. Đồng thời, điều này sẽ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế cho thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp tại Vĩnh Long vẫn còn chưa nhiều và chưa đa dạng. Hiện, đa số các HTX liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản trong tỉnh, trong khu vực và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó liên kết với doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh chiếm số lượng nhiều nhất.
Bên cạnh đó, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến nông sản theo quy mô hiện đại, lớn tại tỉnh. Hiện chỉ mới có một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư chế biến khóm, nấm rơm… trên quy mô vừa phải, chưa có doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt nông dân, HTX sản xuất.
Chính vì vậy, số lượng nông sản được bao tiêu, chế biến trực tiếp của Vĩnh Long chưa nhiều. Nông sản của tỉnh vẫn nhỏ lẻ do thiếu vắng nhiều mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân-HTX-doanh nghiệp-cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) chia sẻ, việc liên kết giữa HTX với doanh nghiệp hiện vẫn còn chưa nhiều, chỉ liên kết ở một số công đoạn nên chưa đủ lớn để hình thành các chuỗi hàng hóa quy mô lớn theo ngành hàng.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp cũng như liên kết với nông dân, nhiều HTX cho rằng, các ngành chức năng cần phải đồng hành cùng HTX, nông dân trong vận động, thuyết phục các doanh nghiệp tham gia liên kết với hai nội dung cơ bản. Doanh nghiệp cung cấp vật tư sản xuất theo giá thấp hơn giá thị trường, HTX thanh toán chi phí vật tư thông qua doanh nghiệp khi thu mua sản phẩm cuối vụ, giá thanh toán theo thỏa thuận đầu vụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giá thu mua cao hơn giá thị trường cùng thời điểm thu mua ít nhất 4% để bảo đảm thu nhập, lợi ích của người dân, HTX thay vì chủ động đưa ra giá.
Đi liền với đó là cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách mới, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch. Có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản rau quả… Hiện, nhiều thanh niên muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp nhưng vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách tín dụng, vốn, tích tụ ruộng đất… nên khó đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.
Minh Nhương
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 |