Quách Phẩm Bắc là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đầm Dơi. Nhiều ấp trong xã có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Đa phần hộ nghèo của xã đều không có đất và ít đất sản xuất. Cũng vì lý do đó mà việc hỗ trợ mô hình sản xuất cho các hộ nghèo là cả thách thức lớn.
Tạo công ăn việc làm cho người nghèo
Trong các mô hình giúp giảm nghèo cho bà con ở Quách Phẩm Bắc phải kể đến HTX Ba khía Ðầm Dơi (ở ấp Cây Kè). Nhiều năm qua, HTX này đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động thời vụ với tiền công từ 200.000 - 450.000 đồng/người/ngày. HTX còn trả lương cố định cho 6 lao động chính với mức lương dao động từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
HTX Ba khía Đầm Dơi giúp tạo công ăn việc làm cho người nghèo ở xã Quách Phẩm Bắc. |
Không chỉ có vậy, từ hoạt động hiệu quả của HTX, đến nay có nhiều lao động nông thôn tự tạo được việc làm từ những công việc liên quan đến các sản phẩm chế biến từ con ba khía như bắt ba khía, vận chuyển ba khía…
HTX Ba khía Ðầm Dơi được đánh giá là một trong những HTX điển hình ở huyện Đầm Dơi trong việc giúp cho bà con địa phương giảm nghèo.
Hàng tháng, HTX này sản xuất gần 4 tấn ba khía tươi cho tất cả các sản phẩm, hơn 1 tấn tôm và cá sơn để chế biến ra các sản phẩm khác, với chất lượng được khẳng định từ phản hồi của người tiêu dùng. Sản phẩm ba khía muối của HTX còn được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) công nhận vào top 200 sản phẩm nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2022.
Chị Trần Thị Xa, Giám đốc HTX Ba khía Ðầm Dơi, chia sẻ: Hiện nay, thị trường của HTX đang mở rộng sang Ðài Loan (Trung Quốc), Malaysia. HTX đang tận dụng các trang mạng xã hội và các kênh mua sắm có thương hiệu để mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ðể đáp ứng nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất với những đơn hàng lớn, HTX đã mở rộng thêm điểm thu mua nguyên liệu. HTX cũng tập trung vào nâng chất, nâng sao cho sản phẩm, đưa thêm từ 2-3 mặt hàng tham gia tiếp vào "sân chơi" OCOP.
Theo chị Trần Thị Xa, việc giúp nhiều lao động phụ nữ ở địa phương cải thiện kinh tế gia đình luôn là điều trăn trở của HTX. Chính vì vậy, HTX cố gắng trong khả năng có thể để quy tụ được nhiều chị em trong xã làm công nhật, với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Song song đó là việc tổ chức tập huấn về kỹ năng bán hàng, HTX sẽ có những chương trình giúp chị em và thanh niên địa phương tăng thu nhập từ con ba khía Đầm Dơi.
“Trao cần câu hơn trao con cá”
Có thể thấy hướng đi của HTX Ba khía Ðầm Dơi là điều mà các xã khác ở huyện Đầm Dơi đang cần từ kinh tế hợp tác nhằm giúp giảm nghèo cho địa phương. Bởi lẽ, Đầm Dơi là huyện có diện tích rộng, dân số đông, người di cư tự do nhiều, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao.
Thu hoạch bồn bồn ở HTX Thương mại Dịch vụ Tiến Ðạt. |
Theo ông Phạm Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, trên bình diện chung của tỉnh Cà Mau về tỷ lệ nghèo, huyện Đầm Dơi là huyện có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
“Do nhiều yếu tố khách quan và điều kiện thổ nhưỡng và một phần do ý thức chủ quan của một số hộ dân chưa chủ động vươn lên thoát nghèo, từ đó tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định”, ông Liêm trần tình.
Và với thông điệp chung là “trao cần câu hơn trao con cá”, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, chính quyền huyện Đầm Dơi đang hướng đến hỗ trợ người dân những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng điều kiện cụ thể của các hộ dân. Nhất là phát triển các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả nhằm khơi dậy cho bà con ý chí vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Tính đến nay, huyện Đầm Dơi có 27 HTX đang hoạt động (với 599 thành viên) và 148 tổ hợp tác. Lĩnh vực nông nghiệp – thủy sản – diêm nghiệp có số lượng HTX chiếm nhiều nhất trong tổng số HTX trên địa bàn huyện và có số lượng thành viên đông đảo. Các ban, ngành và chính quyền các cấp cũng dành sự quan tâm đến hoạt động của các HTX này.
Đơn cử như HTX Thương mại Dịch vụ Tiến Ðạt (ở ấp Hoà Hiệp, xã Ngọc Chánh) được thành lập từ cách đây 3 năm, ngành nghề chính của là nuôi tôm – cá. Để tận dụng diện tích, một số hộ thành viên đã trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá, từ thử nghiệm thành công, dần hình thành mô hình kinh tế tập thể.
HTX đã nhận được sự quan tâm từ các sở, ngành của tỉnh Cà Mau. Đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh, huyện đã hỗ trợ vốn, và nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp cho thành viên HTX đầu tư phát triển mô hình.
Hiện nay, tất cả thành viên của HTX đều phấn khởi khi ngoài nghề chính là nuôi thuỷ sản, các hộ còn tận dụng diện tích đất ngập mặn bao ví, giữ ngọt để trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá, hình thành mô hình kinh tế tập thể.
Anh Tiết Vĩ Tuyến, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Tiến Ðạt, cho biết: “Từ vài hộ cải tạo trồng thử bồn bồn có hiệu quả, nay đã nhân lên 21 hộ, chúng tôi hợp lại hình thành HTX để tính đường đi lâu dài cho mô hình này”.
Tâm huyết giúp dân thoát nghèo bền vững
Theo anh Tuyến, HTX đang hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm dưa bồn bồn vào chương trình OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Hoặc như HTX mắm cá mào gà ở xã Nguyễn Huân (huyện Ðầm Dơi). Anh Nguyễn Minh Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: “HTX được thành lập 2 năm nay, tôi đặt trọn tâm huyết của mình vào HTX với mong muốn mang sản vật độc đáo cá mào gà và các sản phẩm từ cá mào gà đến với người tiêu dùng khắp nơi”.
Chuyển biến tích cực của kinh tế hợp tác giúp bộ mặt huyện Đầm Dơi thêm tươi sáng. |
Từ chỗ HTX này chỉ có một sản phẩm duy nhất là mắm cá mào gà thì đến nay, tổng số sản phẩm của HTX đã nâng lên con số 13, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Hiện tại, bộ sản phẩm làm từ cá mào gà của HTX không chỉ được bày bán ở các cửa hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau mà còn ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Tp.HCM, Tp.Cần Thơ,…Đặc biệt, sản phẩm Mắm cá Mào Gà đã có thị trường tiêu thụ ổn định tại Cần Thơ, Sóc Trăng,… và nguồn cung luôn không đủ cầu.
Anh Thái khẳng định: “Các sàn, kênh thương mại điện tử là thị trường quan trọng mà HTX hướng đến. Khi chuyển đổi số cho hoạt động HTX, sản lượng, doanh số hàng hoá và cả thị trường tiêu thụ của HTX tăng lên theo cấp số nhân”.
Ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, đánh giá HTX mắm cá mào gà của xã Nguyễn Huân hoạt động rất tâm huyết. Trước đây, khi làm cán bộ nông nghiệp của xã, anh Thái không tham gia sản xuất, không có kinh doanh nhưng quá trình hỗ trợ cho HTX, anh Thái rất quyết tâm làm. Đến nay, bà con trong HTX hoạt động khá tốt, giúp duy trì và phát huy làng nghề mắm cá mào gà và một số sản phẩm khác…
Từ những chuyển biến tích cực của các HTX như vậy đã và đang giúp cho huyện Đầm Dơi “nhẹ gánh” hơn trong công tác giảm nghèo. Một khi kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện tiếp tục đổi mới, phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém, sẽ càng đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Và từ chỗ là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Cà Mau, nhưng chỉ sau 5 năm trở lại đây, huyện Đầm Dơi đã ghi dấu ấn đậm nét với tỷ lệ hộ nghèo hiện còn trên 1.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,12% (bình quân hàng năm giảm 2,69%).
Thanh Loan