Năm nay, vùng nhãn Hưng Yên đối mặt với bất lợi, trời không chiều lòng người, thời tiết khắc nghiệt đã khiến người dân đất nhãn thất thu nặng.
“Trời” không chiều lòng người
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness bằng chất giọng trầm buồn, bà Trần Thị Bắc - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu (xã Hồng Nam, TP Hưng Yên) cho biết, năm nay, nhãn ra hoa bạt ngàn, đáng ra sẽ cho vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm đó đã xuất hiện một đợt mưa kéo dài, trong đó 2 ngày có mưa a xít đã làm hỏng gần hết lượng hoa vừa trổ bông. Nhãn không đậu quả gây thiệt hại tới 60- 70% sản lượng dự kiến thu hoạch.
Thời tiết bất lợi ảnh hưởng lớn tới sản lượng nhãn lồng Hưng Yên năm nay, chỉ một số ít nhà vườn có kinh nghiệm vẫn đạt được tỷ lệ ra hoa, đậu quả như bình thường. |
HTX nhãn lồng Nễ Châu được thành lập từ năm 2016, đến nay có 37 thành viên, diện tích canh tác trên 20 ha, bình quân mỗi năm thu 300 tấn nhãn. Sản lượng nhãn tiêu thụ tại thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu đã mang lại nguồn thu lớn cho các thành viên.
Tuy nhiên, theo bà Bắc, năm nay, ước tính lượng nhãn thu hoạch của cả HTX chỉ xấp xỉ trên dưới 80 tấn. Vườn nhãn nhà bà cũng thiệt hại nặng nề bởi thời tiết, gây thất thu tới 65% sản lượng thu hoạch theo dự kiến.
Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng, TP Hưng Yên) thất thu. Nếu như hàng năm, với 40 ha diện tích canh tác, lượng nhãn thu hoạch đạt hàng trăm tấn thì năm nay chỉ còn khoảng 90 tấn.
Không chỉ chịu áp lực từ “ông trời”, thị trường nhãn với sức ép lớn như yếu tố cung vượt cầu, giá cả xuống thấp trong khi nhãn Hưng Yên chất lượng tốt lúc nào cũng cao hơn mặt bằng chung của những loại nhãn thường trên thị trường tới 10 giá cũng phần nào ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm.
Áp lực thừa cung và hàng “đội lốt”
Những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước phát triển vùng trồng nhãn với lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Đắk Lắk… Một số nơi có diện tích vùng trồng lớn áp đảo như Sơn La, đưa ra thị trường sản lượng tiêu thụ rất lớn. Tại Sơn La, có những hộ gia đình thu hoạch thu tới 300 tấn nhãn/vụ - tương đương sản lượng của một HTX nhỏ ở Hưng Yên. Sự phát triển bùng nổ vùng trồng tại nhiều địa phương đã khiến thị trường nhãn cung vượt cầu, giá nhãn sụt giảm mạnh.
Thổ nhưỡng, khí hậu, cách thức canh tác của người Hưng Yên đã tạo cho quả nhãn đặc sản nơi đây có độ thơm ngon, hương vị đặc trưng riêng không thể lẫn vào đâu được. |
Theo ông Trần Ngọc Hoa - Phó Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, nếu như cách đây 5 năm, nhãn thu mua tại vườn có giá 30 - 40 ngàn đồng/kg, thì 2-3 năm trở lại đây giảm sâu. Như năm ngoái, giá nhãn chính vụ dao động trong khoảng từ 15 - 25 ngàn đồng/kg. Trong khi giá vật tư đầu vào, giá nhân công ngày càng tăng, mà giá bán thấp khiến lợi nhuận của người trồng nhãn thu được không cao như trước.
Ông Hoa cho biết, HTX vừa ký kết hợp đồng với một chủ vựa nhãn tại Hà Nội chuyên giao hàng cho các siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và các chợ lớn. Giá của HTX đưa ra là 25 ngàn đồng/kg, chi phí vận chuyển HTX tự chịu, trừ mọi chi phí xăng xe, nhân công vận chuyển, hao hụt trọng lượng của quả nhãn tươi, giá bán còn lại chỉ khoảng 23 ngàn đồng/kg. Giá này tương đương với năm ngoái, vậy mà vẫn bị khách chê cao, vì nhập nhãn Sơn La chỉ với giá 12 ngàn đồng/kg.
“Đương nhiên, về chất lượng, nhãn Hưng Yên vẫn có những thế mạnh, đặc trưng riêng về độ thơm ngon mà nhiều loại nhãn khác không thể sánh bằng. Song, có một thực tế là không ít người tiêu dùng vẫn ham rẻ, thích mua những loại nhãn có giá thấp hơn”, ông Hoa cho hay.
Điều đáng nói là thương hiệu nhãn Hưng Yên hiện đang bị không ít tiểu thương vì mối lợi trước mắt đã không ngại nhập nhèm nguồn gốc, trà trộn các loại kém chất lượng, mạo danh nhãn Hưng Yên bán tràn lan trên các tuyến đường ở thị trường lớn Hà Nội, thậm chí ngang nhiên bán nhãn nhái ngay tại… chính đất nhãn!
Ông Trần Văn Mý - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng xót xa: “Đến ngay trên đất nhãn, các tiểu thương cũng không ngần ngại “treo đầu dê bán thịt chó”, đưa sản phẩm giả, mạo danh nhãn Hưng Yên bán với giá cao ngất - 30, 40 thậm chí 50 ngàn đồng một cân nhãn lồng giả”.
Hồi tháng 5, trong khi tại đất nhãn Hưng Yên chưa có bất kỳ HTX nào hái nhãn xuất bán ra bên ngoài thì tại Hà Nội và Hưng Yên đã xuất hiện các xe chất ngất nhãn đề biển Nhãn lồng Hưng Yên có mặt trên nhiều tuyến phố. Ông Mý cho biết, có thương lái Hưng Yên sang ngay tỉnh Hà Nam thu mua một vòng, chỉ qua cây cầu Yên Lệnh đã “hô biến” nhãn tỉnh bạn thành nhãn lồng Hưng Yên.
“Tôi cũng như những người dân Hưng Yên vô cùng bức xúc với thực trạng trên. Khách hàng bỏ tiền ra mua nhãn đặc sản mà mua phải hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng. Sự nhá nhem, nhập nhèm của những tiểu thương này đã gây hiểu lầm về chất lượng, giảm uy tín thương hiệu đặc sản Hưng Yên. Điều đó khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin vào nhãn Hưng Yên, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người trồng nhãn chân chính. Tôi đề nghị các cơ quan, ban ngành phải có biện pháp mạnh tay, ngăn chặn hành vi gian lận của những đối tượng này”, ông Mý nói.
Trồng nhãn hướng hữu cơ không lo ế
Về phía người trồng nhãn, nhận thức rõ áp lực của thị trường, những năm gần đây, một số nhà vườn, HTX đã chuyển đổi mô hình canh tác sang hướng hữu cơ, vừa giúp bảo vệ sức khỏe người trồng, nâng cao chất lượng quả nhãn từ đó giữ vững vị thế, phát triển thương hiệu sản phẩm quê hương.
Việc cải tiến kỹ thuật trồng nhãn theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất, sự an toàn cho người tiêu dùng mà chất lượng quả nhãn còn được nâng tầm, thơm ngon hơn. |
Sản xuất nhãn hướng hữu cơ là phương pháp canh tác chuyển đổi giảm thiểu dần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, từ đó dần thay thế bằng những sản phẩm sinh học an toàn với môi trường, không gây hại sức khỏe cho người canh tác. Theo đó, phân bón hóa học được thay thế bằng các loại phân chuồng ủ hoai mục kết hợp chế phẩm vi sinh. Một số nơi dùng ngô, cá, đỗ tương ủ với chế phẩm vi sinh trong vòng 6 tháng tạo ra loại phân bón sinh học. Để xua đuổi côn trùng, ngăn ngừa sâu bệnh dùng gừng, tỏi, ớt giã ra làm thuốc xịt. Bên cạnh đó, người trồng nhãn còn phun dung dịch nano bạc thay thế thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó quả nhãn không bị tồn dư hóa chất, tăng độ thơm ngon, nâng cao sức khỏe người tiêu dùng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ…
Một trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ ở Hưng Yên là anh Bùi Văn Sử - Phó Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu (xã Hồng Nam, TP Hưng Yên). Trong năm 2022, anh đã chuyển đổi 1,5 ha vườn nhãn sang hướng hữu cơ, nên bán được nhãn với giá 40 ngàn đồng/kg, thu được hơn 200 triệu đồng. Năm nay, vườn nhãn hướng hữu cơ nhà anh Sử đã được doanh nghiệp thu mua gần 2 tấn với giá 45.000 đồng/kg.
Từ thành công của anh Sử, một số thành viên đã được HTX hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi sản xuất. Anh Sử cho biết, ban đầu thuyết phục các thành viên rất khó. Không ít người băn khoăn anh làm được nhưng họ làm liệu có bán giá cao được như anh không? Để hỗ trợ các thành viên, anh Sử đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn quy trình, hỗ trợ phân bón đầu vào và đảm bảo đầu mối thu mua nhãn nếu đạt chuẩn chất lượng.
Những thành công từ việc chuyển đổi hướng trồng nhãn sang hữu cơ đã góp phần nâng cao giá trị quả nhãn Hưng Yên. Vườn nhà ông Mý có 1ha đã chuyển đổi hướng hữu cơ, chất lượng quả nhãn được thị trường trong và ngoài nước tin dùng. Năm nào, ông cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ xa. Ông Mý khoe: “Tôi vừa nhận 3 cuộc gọi đặt hàng, có đơn vài yến, có đơn 7-8 tạ, thậm chí có khách còn nói là còn bao nhiêu sẽ thu mua hết. Nói chung, nhãn sản xuất hướng hữu cơ lúc nào cũng đắt hàng, làm bao nhiêu khách thu mua bấy nhiêu, không bao giờ lo ế”.
HTX Quyết Thắng hiện có 10 ha nhãn đã chuyển đối sản xuất theo hướng này. Ông Mý cho hay, hiện HTX đang làm thương hiệu nên chấp nhận bán giá không chênh nhiều so với nhãn VietGAP. Nhãn hướng hữu cơ tại vườn hiện được bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg. Vườn nhãn của nhà ông Mý, khách đã đặt mua hết từ trước mùa vụ.
Trong khi đó, gia đình ông Trịnh Văn Cương, đội 8, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam sở hữu gần 4.000 m2 đất trồng nhãn đường phèn - loại nhãn chất lượng hàng đầu của Hưng Yên có hình dạng quả hơi vuông, mùi thơm đặc trưng riêng, năm nào cũng cho 4-6 tấn nhãn. Trong bối cảnh nhiều nơi mất mùa, nhưng vườn nhà ông Cương năm nay trái vẫn ra sai đẹp.
“Vấn đề tiêu thụ chưa bao giờ phải nghĩ, không phải lo quảng bá sản phẩm, hàng năm gần giáp vụ, khách quen của tôi đã điện thoại về đặt hàng. Năm nay, cả vườn nhãn cho sản lượng hơn 6 tấn đã có khách đặt mua hết, chỉ chờ ngày thu hoạch. Năm ngoái, tôi bán nhãn với giá 70.000 đồng/kg, năm nay bán khoảng 75.000-80.000 đồng/kg”, ông Cương chia sẻ.
Khẳng định vị thế nhãn đặc sản Hưng Yên, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kim Hưng - doanh nghiệp được Sở Công Thương Hưng Yên ủy thác liên kết hỗ trợ hàng chục nhà vườn và các HTX trồng nhãn trên địa bàn tỉnh cho rằng, ngày nay, giống nhãn Hưng Yên đã đưa sang một số tỉnh trồng đạt sản lượng, hiệu quả kinh tế cao như Sơn La, Đắc Lắk. Tuy nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, cách thức canh tác của người Hưng Yên đã tạo cho quả nhãn đặc sản nơi đây có độ thơm ngon, hương vị đặc trưng riêng không thể lẫn vào đâu được. Nhãn Hưng Yên vẫn là thứ quả được nhiều thực khách “khó tính” tin dùng. Việc cải tiến kỹ thuật trồng nhãn theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất, sự an toàn cho người tiêu dùng mà chất lượng quả nhãn còn được nâng tầm, thơm ngon hơn.
Theo bà Hiền, giá nhãn Hưng Yên cao hơn thị trường cũng không đáng lo, bởi người tiêu dùng giờ rất thông minh, biết sản phẩm nào ăn ngon, sạch, dù giá có cao vẫn được chấp nhận. Chỉ cần sản phẩm chuẩn chất lượng thì không lo vấn đề tiêu thụ.
“Phát triển nâng tầm thương hiệu sản phẩm là xu hướng của các nhà vườn, các HTX trong giai đoạn thị trường mở như hiện nay. Đây vừa là nhu cầu tất yếu để phát triển kinh tế, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng bảo tồn giống đặc sản “tiến vua” nức tiếng của người dân quê nhãn”, bà Hiền nói.
Thu Hường