Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 263 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng hơn 2.000 thành viên. Việc các HTX liên kết sản xuất không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu sản phẩm của Bắc Kạn trên thị trường, mà còn tăng thu nhập cho các thành viên.
Hình thành các chuỗi liên kết
Nhờ vậy, quy mô, chất lượng sản phẩm của các HTX được nâng lên, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với khai thác các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương như: Bí xanh thơm, miến dong, cây ăn quả, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn... Đến nay toàn tỉnh có 155 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 143 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Đơn cử, HTX Hồng Luân, xã Tân Lập (Chợ Đồn) có sản phẩm chủ lực là chè, măng khô, bánh khảo, bún khô. Sản xuất với số lượng lớn nên để có nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, HTX đã liên kết với 70 hộ dân trên địa bàn để trồng lúa Bao thai, 40 hộ dân trồng chè, 50 hộ dân cung cấp nguồn măng tươi và 10 hộ dân thu mua thóc nếp thơm.
Bún khô là một trong những sản phẩm mang lại thành công cho HTX Hồng Luân, xã Tân Lập (Chợ Đồn) trong những năm qua, góp phần xây dựng thành công NTM ở Bắc Kạn. |
Việc liên kết sản xuất không những giúp HTX chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, mà còn giúp tăng thu nhập cho các hộ dân. Bên cạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX còn chủ động tìm kiếm thị trường. Hiện HTX đã tham gia tích cực vào các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình do tỉnh tổ chức, đồng thời đã liên kết được với 03 cửa hàng thực phẩm khô trên địa bàn Thành phố Hà Nội để đưa sản phẩm của HTX vào bán.
Như lời của lãnh đạo HTX thì chỉ tính riêng năm 2021 HTX đã cung cấp ra thị trường 38 tấn bún khô, trong đó thu mua của các hộ dân liên kết và ngoài liên kết được 58 tấn thóc để sản xuất...
Chị Nông Thị Biệt- Giám đốc HTX Minh Anh, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) cho biết, để có đầu ra ổn định thì chất lượng sẽ là thước đo giá trị của sản phẩm để đưa ra thị trường. Từ thực hiện mô hình HTX kiểu mới và sản xuất theo chuỗi giá trị các loại nấm ăn, nấm dược liệu đã nâng đáng kể hiệu quả kinh tế cho HTX, giải quyết việc làm cho thành viên và nhiều lao động địa phương.
Liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng hạng sao cho sản phẩm là mục tiêu mà HTX Minh Anh đã và đang nỗ lực xây dựng, hướng tới. Đồng thời, là "mắt xích” quan trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm để xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị được xem là bước đi để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm.
Để mở rộng, đứng vững trên thị trường, HTX Minh Anh đã tính đến nguồn nguyên liệu lâu dài. Do đó, HTX đã liên kết với 02 HTX ở xã Dương Quang (HTX Văn Quyến và HTX Dương Quang) sản xuất 03 sản phẩm gồm: Nấm linh chi, nấm mộc nhĩ và nấm sò. Bên cạnh đó, thời gian qua, HTX Minh Anh còn chuyển giao khoa học công nghệ, cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân ở các xã: Cốc Đán, Thượng Ân, Thuần Mang (Ngân Sơn)...
Góp phần thành công trong xây dựng NTM
Hiện nay, tổng số HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 304 HTX với 2.599 thành viên, tổng vốn điều lệ 318 tỷ đồng, tăng 41,43% so với năm 2020; thu nhập bình quân các thành viên HTX đạt 54 triệu đồng/người/năm.
Nhưng cũng phải thẳng thắn, các HTX ở Bắc Kạn dù phát triển mạnh nhưng hoạt động của đa số HTX vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ với nhiều khó khăn hiện hữu như: Vốn tài sản nhỏ, nội dung hoạt động còn đơn điệu, thiếu bền vững, độ tăng trưởng của khu vực kinh tế còn thấp; chưa khai thác hết năng lực nội tại của các thành viên cả về vốn và cơ sở vật chất.
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 2 liên hiệp HTX, 350 HTX, trong đó có khoảng 70% là HTX nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp. |
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, trình độ quản lý còn yếu, nhiều máy móc thiết bị thô sơ, lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Mẫu mã đơn điệu, sức cạnh tranh thấp dẫn đến hoạt động của nhiều HTX hiệu quả thấp. Một số HTX sản xuất có lãi nhưng chưa nhiều, phần lớn chỉ đủ trang trải các khoản chi phí, không đủ để trích cho các quỹ và tích luỹ mở rộng hoạt động. Nhiều HTX thiếu cơ sở vật chất để làm việc; vốn điều lệ đăng ký khá cao nhưng thực tế vốn tiền mặt ít (do các thành viên HTX đóng góp bằng tài sản như đất rừng, đất vườn...).
Trong bối cảnh đó, để nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong quá trình xây dựng NTM, các HTX ở Bắc Kạn mong muốn được địa phương quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn, nhất là vấn đề đất đai sản xuất, vốn đầu tư… Ngoài ra, các HTX cũng cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sản phẩm đầu ra.
Trước mắt, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 2 liên hiệp HTX, 350 HTX, trong đó có khoảng 70% là HTX nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp; tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt từ 75% trở lên; thu nhập bình quân các thành viên HTX đạt 6 triệu đồng/người/tháng; trung bình mỗi HTX có từ 15 thành viên trở lên; có ít nhất 20% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia thành viên tổ hợp tác, HTX hoặc có liên kết sản xuất với HTX, doanh nghiệp.
Để hoàn đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Kạn xác định, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, nhất là HTX nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp… Nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực điều hành, quản lý, tổ chức hoạt động của HTX thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về năng lực quản lý, kỹ thuật sản xuất.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình HTX điển hình, hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ HTX đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm để mở rộng quy mô hoạt động của HTX. Thực hiện chuyển đổi số đối với các HTX đủ năng lực, điều kiện; quản lý và vận hành tốt hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của tỉnh về HTX.
Hồng Minh