Với những thành công vượt bậc về kinh tế - xã hội, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) đang là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Tháp. Sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đang giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Điểm tựa từ HTX
Được xác định là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Tháp Mười, những năm qua, Mỹ Đông đã chủ động phát triển trên mọi “mặt trận” từ kinh tế đến xã hội, trong đó tiêu chí hình tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn được chú trọng nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Để hoàn thiện tiêu chí trên, khu vực kinh tế hợp tác, HTX được xã đẩy mạnh. Nổi bật nhất có thể kể đến mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gắn với an toàn sinh thái của HTX Thắng Lợi.
Nông thôn mới tại Đồng Tháp ngày càng thay da đổi thịt. |
HTX Thắng Lợi là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” của tỉnh Đồng Tháp từ những năm 2010. Mô hình cánh đồng liên kết được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.
Sự thay đổi trong tư duy sản xuất, ứng dụng công nghệ mới giúp hiệu quả sản xuất của HTX ngày càng gia tăng, mở ra cơ hội xây dựng kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, hộ liên kết.
Bên cạnh HTX Thắng Lợi, ở Mỹ Đông còn có HTX Mỹ Đông 2, trên nền tảng sản xuất hiện đại đầy sáng tạo, mô hình trồng lúa thông minh của HTX đang mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế, trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu của thành viên.
Ông Ngô Phước Dũng, đại diện HTX Mỹ Đông 2, cho hay mô hình trồng lúa thông minh được triển khai thực hiện trong 5 năm qua. Năng suất bình quân đạt 7 - 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45 - 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.
Nhân rộng HTX kiểu mới
Sự phát triển của các HTX kiểu mới, hiện đại và hiệu quả đang là một trong những nền tảng quan trọng giúp xã Mỹ Đông trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp. Vào đầu tháng 6/2022, xã chính thức “về đích” nông thôn mới nâng cao và bắt đầu tiến lên kiểu mẫu .
Đáng chú ý, không chỉ ở Mỹ Đông, mà rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang có thành tích vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới, với điểm tựa không nhỏ đến từ các HTX kiểu mới.
Điển hình như ở huyện Châu Thành, có tới 13 HTX được hình thành từ hội quán. Đơn cử, ở xã An Hòa, từ Hội quán Canh Tân, 2 HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành và HTX nông sản an toàn An Hòa được thành lập, tạo điểm tựa vững chắc cho hàng trăm nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành, cho hay cù lao An Hòa được như ngày hôm nay, có hơn 800 ha trồng nhãn đạt chuẩn, 35 ha mặt nước nuôi cá tra, đời sống bà con sung túc, yên bình chính là nhờ liên kết cùng phát triển trong hội quán, trong HTX.
Các HTX có vai trò tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp. |
Thực tế chỉ ra hiệu quả của các mô hình điểm như HTX, làng thông minh, với cách làm sáng tạo, tư duy hiện đại, đang góp phần giúp các địa phương gặt hái nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc nâng cao đời sống tinh thần và kinh tế cho người dân.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh có 269 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, các sản phẩm này được kết nối đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản tại các điểm du lịch…
Trong giai đoạn 2021- 2025, Đồng Tháp tiếp tục gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng nông thôn mới với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 90%). Trong đó, có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 30%) và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 10%).
Chắp cánh cho sản phẩm OCOP
Để công tác xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực hơn trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các Sở ban ngành liên quan rà soát lại công việc cụ thể của các địa phương để tiếp tục tập trung thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới, trong đó duy trì phát triển tốt các mô hình hiệu quả.
Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng thúc đẩy chương trình OCOP. Một điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP tại Đồng Tháp là các HTX, tổ hợp tác đóng vai trò tích cực.
Khi tham gia vào THT, HTX, thành viên và người lao động được tham gia học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, được hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP...
Điển hình như Sản phẩm “Gạo Ngọc đỏ hương dứa” (đạt chứng nhận OCOP 3 sao) của HTX Giống nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
HTX Giống nông nghiệp Định An hiện có trên 30 thành viên, tổng diện tích sản xuất lúa hơn 110 ha, trong đó có 6ha chuyên sản xuất lúa giống. Nhờ cánh đồng lớn hữu cơ, cùng sản phẩm gạo đỏ được gắn sao OCOP, HTX đang mạnh dạn phát triển du lịch sinh thái.
Có thể thấy, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp những năm qua đang có được kết quả rất tốt. Trong năm 2023, tỉnh cũng vừa công bố kế hoạch hướng đến mục tiêu chung là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân. Góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu có ít nhất 50 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên; phấn đấu hỗ trợ 9 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP cấp quốc gia.
Mỹ Chí