Tiên Yên nằm ở trung tâm miền Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Năm 2019, Tiên Yên đã trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao
Ngay sau khi về đích nông thôn mới, huyện Tiên Yên đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao và liên tục đạt được những kết quả vượt bậc. Đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí.
3 năm qua, xác định hạ tầng nông thôn là một trong 3 đột phá chiến lược, bằng nhiều nguồn lực, huyện đã đầu tư, xây dựng và hoàn thành 80 công trình trọng điểm. Điển hình như các công trình nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao xã, đường giao thông, điện chiếu sáng… với tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng.
Diện mạo kinh tế xã hội huyện Tiên Yên ngày một đổi mới. |
Một số công trình đã và đang được triển khai như: Dự án Trung tâm Văn hóa thể thao xã Tiên Lãng, công trình nước sinh hoạt tập trung các thôn Khe Lặc, Đoàn Kết, Kéo Cai (xã Đại Dực... qua đó, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương, góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Hoàng Văn Sinh cho biết, trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và phòng chức năng xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để duy trì, nâng cao chất lượng từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
“Đến thời điểm này, Tiên Yên đã cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ minh chứng để trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022", ông Hoàng Văn Sinh cho hay.
Sức bật từ nông nghiệp
Cùng với việc thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thành công của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là một trong những yếu tố cốt lõi giúp Tiên Yên đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần cho người dân.
Cụ thể, nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, huyện đã triển khai hiệu quả đề án phát triển cây ăn quả tập trung; ưu tiên mở rộng các vùng sản xuất, danh mục sản phẩm lợi thế của địa phương, nhất là sản phẩm thuộc Chương trình “2 con, 1 cây”; nhân rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn loài cây lim, dổi, lát…
Cùng với đó, huyện cũng tích cực triển khai các nội dung trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Trồng khảo nghiệm giống lúa J02; nghiệm thu, lựa chọn công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi cho gà Tiên Yên; xây dựng và triển khai dự án chọn lọc giống gà Tiên Yên; lập Đề án phát triển cây ăn quả tập trung huyện Tiên Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Hiệu quả chuyển đổi nông nghiệp là chìa khóa trong xây dựng nông thôn mới ở Tiên Yên. |
Hiện tại, mô hình nuôi gà hữu cơ Tiên Yên, tôm công nghiệp và mô hình cây dược liệu được coi là 3 sản phẩm chủ lực của huyện. Toàn huyện cũng có 24 trang trại tổng hợp chăn nuôi gà theo mô hình VietGAP.
Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Tiên Yên, các HTX đang khẳng định dấu ấn đậm nét, đặc biệt là trong việc kết nối sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ manh mún, nhỏ lẻ, sang quy mô lớn, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật.
Xã Hà Lâu là một trong những cái nôi phát triển giống gà Tiên Yên nổi tiếng khắp vùng. Xét về điều kiện tự nhiên, xã có đất đồi rừng rộng hơn 3.000 ha, rất thuận lợi cho phát triển gà theo hướng hàng hóa.
Để thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, UBND xã đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi thành lập HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà xã Hà Lâu. Khi vào HTX, các hộ thành viên cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.
Nhận thấy vai trò của HTX trong công tác giảm nghèo, xã đã hỗ trợ HTX từ nguồn vốn 135, chương trình nông thôn mới và ngân sách của huyện. Mỗi hộ chăn nuôi từ 200 con trở lên sẽ được hỗ trợ công tác phòng trị bệnh với mức 10.000 đồng/con, hỗ trợ 50% giá giống gà 21 ngày tuổi. Các hộ cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/chuồng trại 20m2, cứ tăng 10m2 thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.
Nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động được kinh tế. Nếu nuôi trong 6 tháng được 3 tạ gà, với giá xuất tại chuồng 120.000 đồng/kg, mỗi hộ thu được 36 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 25 triệu đồng.
Cũng nhờ phát triển chăn nuôi gà, trung bình mỗi năm, xã có 20-40 hộ thoát nghèo. Nhiều hộ đã trả được nợ vay, xây được nhà khang trang...
Hướng tới mục tiêu mới cao hơn
Có thể thấy, hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, cùng điểm tựa từ các HTX đang góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân Tiên Yên, từ đó hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.
Như ở xã Hà Lâu, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã luôn tập trung vào phát triển lợi thế kinh tế rừng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy có hiệu quả tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, đa dạng hóa mô hình kinh tế... Từ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt trên 64 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,55%.
Trên quy mô toàn huyện, đến nay, Tiên Yên đã có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 70 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,2%...
Thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Tiên Yên dự kiến tiếp tục chú trọng hướng dẫn các xã hoàn thiện, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Trung ương và của tỉnh.
Huyện cũng sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động như cơ sở hạ tầng giao thông, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, giáo dục… Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn. Đồng thời, thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm phát triển sản phẩm đặc trưng trên địa bàn.
Mỹ Chí