Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có hàng chục HTX đã áp dụng công nghệ 4.0, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, trồng rau - hoa trong nhà kính, chiếu sáng nhân tạo, từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ dân liên kết, đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới về hình thức tổ chức sản xuất, tạo việc làm, giảm nghèo…
Từ địa phương đầu tiên…
Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng được chọn là một trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã NTM (xã Tân Hội, huyện Đức Trọng).
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng (Ảnh: Int) |
Khi đó, Lâm Đồng có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Kinh tế phát triển còn hạn chế nhất định, GRDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng, chỉ bằng 88% bình quân cả nước…
Thực hiện xây dựng NTM, lãnh đạo tỉnh đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể; từ đó xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, với quyết tâm chính trị rất cao. Tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chính nhờ nỗ lực này đã đưa Lâm Đồng trở thành lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 106/111 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và 27 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Không bằng lòng với những thành công đã đạt được, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, nâng cao các tiêu chí, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn NTM (111 xã); có ít nhất 42,3% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (ít nhất 47 xã); có ít nhất 15,3% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (ít nhất 17 xã). Trước năm 2025, Lâm Đồng được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (12/12 huyện, thành phố); có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh; huyện Đạ Tẻh đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về cảnh quan nông thôn và huyện Đức Trọng hoàn thành Đề án huyện NTM trong quá trình đô thị hóa…
…Đến địa phương dẫn đầu
Có thể khẳng định, những thành công lớn trong xây dựng NTM của tỉnh Lâm Đồng thời gian qua có đóng góp lớn của ngành nông nghiệp, nhờ bước tiến mạnh mẽ trong tái cơ cấu, chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn cao.
Nhiều HTX đã áp dụng công nghệ 4.0, phát triển nông nghiệp thông minh (Ảnh: TL) |
Hiện, Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh. Toàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp); công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử; công nghệ đèn LED...; 13 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”; 90 HTX, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, HTX và gần 17.000 hộ nông dân.
Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã được xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Phát triển nông nghiệp thông minh góp phần đưa doanh thu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt bình quân 430 triệu đồng/ha; không ít trang trại đạt doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm; canh tác rau ứng dụng công nghệ IoT đạt trên 2 tỷ đồng/ ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3 - 8 tỷ đồng/ha/năm.
Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp không ít trang trại, doanh nghiệp, HTX của Lâm Đồng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các tiện tích của các nền tảng số như Google, Youtube, Facebook... Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công thương hiệu nông sản với nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, Lâm Đồng có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Với đề án tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50% nông sản của tỉnh được tiêu thụ qua chuỗi ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 600 triệu USD. Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tăng quy mô chuyển đổi số trong nông nghiệp, phấn đấu 50% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng; 50% doanh nghiệp nông nghiệp, HTX nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh; 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của ngành nông nghiệp được kinh doanh qua mạng…
Tận dụng chính sách ưu đãi của tỉnh và các địa phương, nhiều HTX tại Lâm Đồng đã mạnh dạn đầu tư cho khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh và thu được những kết quả bước đầu rất khả quan.
Điển hình như HTX Sunfood Đà Lạt. Tại khu du lịch canh nông 1,1 ha ở TP Đà Lạt trồng đa dạng các loại rau, củ, quả, thông qua hệ thống Internet kết nối vạn vật (IoT), hàng ngày đội ngũ kỹ thuật của HTX kiểm soát toàn bộ các dữ liệu nhiệt độ, độ ẩm của đất, tình hình sâu bệnh, mức độ sinh trưởng của từng khu vực, từng hàng cây rau, củ, quả trên chiếc điện thoại thông minh. Qua đó làm cơ sở để đặt lệnh điều khiển tưới nước nhỏ giọt, kết hợp với bón phân liều lượng cân đối, phù hợp với từng thời điểm khí hậu trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm. Trong khâu quản lý thu hoạch và phân phối trên thị trường 36 tỉnh, thành trong cả nước, HTX điều hành trên các app điện tử khá nhanh chóng, thuận tiện, tiêu thụ mỗi ngày ít nhất 10 tấn rau các loại, cao nhất lên tới 20 tấn.
Theo Giám đốc Phạm Ngọc Thạch, vận hành hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm, tưới nhỏ giọt trong chăm sóc rau, HTX Sunfood Đà Lạt đã giảm đáng kể lượng nước sử dụng, nên không lo thiếu nước tưới nếu khí hậu biến đổi trong mùa hạn hán gay gắt nhất…
Thống kê của Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 liên hiệp HTX (25 HTX thành viên), 376 HTX (8.471 thành viên), 373 tổ hợp tác (8.608 tổ viên). Tổng vốn điều lệ trên 479 tỷ đồng (tăng hơn 9 tỷ đồng so với năm 2021). Doanh thu bình quân đạt trên 2,2 tỷ đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân khoảng 72 triệu đồng/lao động/năm.
Các HTX đã tiếp cận, mạnh dạn đầu tư các hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây và ghi lại nhật ký sản xuất chi tiết qua một phần mềm quản lý dành riêng cho nông trại. Công nghệ cũng hiện diện trong cả khâu tiêu thụ bằng cách tận dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... để chào bán sản phẩm. Nông sản được chuyển thẳng đến người tiêu dùng dễ dàng mà không phải trải qua nhiều khâu trung gian, từ đó hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của HTX.
Linh Trịnh