Trong hai ngày 18-19/5/2022, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể HTX khu vực miền Trung Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2022 tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Diễn đàn là cơ hội để các HTX, Tổ hợp tác (THT), Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) giao lưu trao đổi kinh nghiệm thích ứng với quá trình chuyển đổi số, công nghệ, phương thức sản xuất mới và đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cần nguồn nhân lực chuyển đổi số
Báo cáo tại diễn đàn cho thấy, tính đến hết quý I/2021 các HTX của khu vực miền Trung - Tây Nguyên thu hút khoảng 1,5 triệu thành viên (tăng 3.420 thành viên), tạo việc làm cho 550 nghìn lao động; tổng vốn điều lệ của HTX là 11,180 tỷ đồng (tăng hơn 250 tỷ đồng); bình quân vốn điều lệ 251 triệu đồng/HTX; tổng tài sản của HTX là 40,638 tỷ đồng (tăng 286 tỷ đồng).
Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan quản lý, HTX, Tổ hợp tác (THT) giao lưu trao đổi kinh nghiệm thích ứng với quá trình chuyển đổi số. |
Các tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên cũng tạo điều kiện để có xây dựng các mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Nhiều sản phẩm có giá trị và được thị trường đón nhận, có một số sản phẩm xuất khẩu có số lượng cao, chất lượng tốt mang giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như rau quả công nghệ cao của HTX Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng), mây tre đan của HTX mây tre đan Bao La (Thừa Thiên Huế), cà phê HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (Đăk Lăk)…
Nhìn lại hơn hai năm khi đại dịch COVID-19 diễn ra có thể thấy, dịch bệnh tuy có những tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội nhưng cũng tạo ra một cú hích quan trọng giúp các HTX khu vực miền Trung, Tây Nguyên đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số.
Đặc biệt, để thích ứng với thời kỳ hậu Covid-19 và các phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, chuyển đổi số chính là chìa khoá để các HTX nhanh chóng vượt qua thách thức về biến đổi khí hậu, biến động của thị trường, từ đó đón bắt cơ hội nhằm phục hồi, thích ứng và phát triển nhanh, bền vững hơn.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung (Ninh Thuận) cho biết, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu, giúp HTX hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản sạch, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp địa phương. Chính vì vậy, ngoài chuyển đổi số trong việc ứng dụng công nghệ cao khi sản xuất dưa lưới trong nhà màng, HTX còn đẩy mạnh bán hàng theo hình thức online để mở rộng tệp khách hàng, từ đó hạn chế được sự đứt gãy chuỗi và tạo nền tảng vững chắc nhằm tiếp tục mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, để mỗi nông dân trở thành một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hiệu quả, đòi hỏi có sự chuẩn bị, kế hoạch tổng thể, xuyên suốt của từ các các cấp ngành, từng địa phương, từng HTX để có thể khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của chuyển đổi số.
Theo các chuyên gia, điểm dễ nhìn thấy trong việc triển khai chuyển đổi số đối với HTX chính là khó khăn về nguồn nhân lực bởi đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đồng đều, chưa thành thạo các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chưa thực hiện lồng ghép chuyển đổi số vào công tác quản trị, điều hành... Họ còn thiếu kỹ năng tiếp cận các nguồn thông tin, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như chưa tiếp cận được các kỹ năng số, đặc biệt là kỹ năng làm sản xuất thông minh và thương mại điện tử.
Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam cho rằng chuyển đổi số giúp các HTX thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong quá trình chuyển đổi số, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng cho HTX ứng dụng khoa học, công nghệ thông minh vào thực tiễn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các HTX hiện nay đều rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về chuyển đổi số.
Chính vì vậy, để ứng dụng thành công các thành tựu của chuyển đổi số trong phát triển KTTT, HTX miền Trung, Tây Nguyên, trước tiên cần phải có “nguồn nhân lực chuyển đổi số”. Để làm được điều này, cần phải sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển đổi số nhằm phục vụ cho phát triển các ngành nghề của khu vực KTTT, HTX.
Nhận thấy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc HTX Mây tre Đan An Khê (Đà Nẵng) cũng cho rằng, cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng về sử dụng công nghệ, chuyển đổi số chuyên sâu cho HTX và hỗ trợ kinh phí khởi tạo trong việc bán hàng online qua các trang thương mại điện tử trong và ngoài. Điều này giúp các HTX mở rộng đầu ra và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh khó khăn về nhân lực, hiện các HTX chưa đủ điều kiện, cơ sở vật chất để ứng dụng quản lý trên phần mềm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Các chương trình hỗ trợ khu vực HTX thực hiện chuyển đổi số còn hạn chế trong khi muốn ứng dụng chuyển đổi số, HTX rất cần có nguồn vốn ổn định, dài hạn để đầu tư tổng thể.
Để kinh tế HTX tiếp cận và phát triển công nghệ số, các HTX đều mong muốn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ…Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt cho rằng, HTX là mô hình có tính đặc thù nên cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ các HTX trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển đổi số, liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín để giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm.
“HTX Sunfood Đà Lạt định hướng phát triển thương hiệu “Sunfood Dalat Coop” trở thành một thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, để làm được điều này, chỉ tính riêng chi phí đầu tư cho các công đoạn phần cứng của mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã rất lớn. Nếu được tiếp cận nguồn vốn, nguồn đất đai ưu đãi HTX mới có thể liên kết phát triển thương hiệu nhanh hơn”, ông Thạch nói.
Liên kết đa chiều
Theo các chuyên gia, trở ngại trong chuyển đổi số của các HTX hiện nay đến từ cả yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, biến động giá cả thị trường và cả yếu tố chủ quan như: năng lực nội tại của HTX còn yếu, chưa sẵn sàng cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; năng lực HTX còn yếu, hạ tầng còn lạc hậu. Chính vì vậy, mới chỉ có một số HTX tham gia chuyển đổi số.
Để nâng cao hiệu quả, phát triển sản xuất bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19 và thích ứng với thời đại công nghiệp 4.0, các HTX cần cải tiến nội lực, rà soát chuẩn hóa các quy trình sản xuất kinh doanh. Nếu thấy dịch vụ nào, bước sản xuất nào chưa phù hợp, không đem lại nguồn thu thì cần loại bỏ rồi tiến tới cải tiến quy trình sản xuất ở từng dịch vụ. Chẳng hạn như áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp: OCOP, VietGAP, hữu cơ,.. Đi cùng với đó là rà soát về nhân sự rồi thực hiện tái cấu trúc hoặc tinh giảm nhân sự sao cho phù hợp.
Ngày hội xúc tiến thương mại và hội thi tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 với sự tham gia của các HTX tiêu biểu tại 18 tỉnh, thành phố. |
Ông Đặng Văn Chính, Giám đốc HTX Công nghệ Thông tin Huế, cho biết công nghệ là yếu tố thiết yếu trong quá trình chuyển đổi số nhưng lại chưa thực sự được các HTX quan tâm. Tuy nhiên, muốn ứng dụng hiệu quả, các công nghệ-công cụ (phần mềm) phải thực sự dễ sử dụng, đem lại tiện lợi cho người dùng.
Thực tế, trên thị trường có rất nhiều phần mềm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số nhưng người dùng phải chạy theo sự áp đặt của công cụ hoặc nhiều công cụ đang thách đố người dùng. Trong khi, nguồn nhân lực, nhất là thành viên HTX chủ yếu là nông dân, chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với công nghệ nhiều.
Ngoài việc đơn giản hóa công nghệ, ông Chính cho rằng cần chú trọng đến việc tăng chất lượng nhưng làm sao không tăng gánh nặng trong quá trình chuyển đổi số của HTX thì mới đạt được hiệu quả cao. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên như HTX, bên cung cấp dịch vụ phần mềm và ngành chức năng… Không nên máy móc theo sự phân vai rành mạch giữa các bên mà phải tương hỗ lẫn nhau trong quá trình thực hiện ứng dụng công nghệ.
Nhằm đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đại diện HTX công nghệ thông tin Huế cho biết, cần giải quyết bài toán kết nối giữa 3 trụ cột: Liên minh HTX số, KTTT số và HTX số. Trong đó, Liên minh số là hệ thống liên minh thực hiện số hóa và áp dụng các quản lý điều hành bằng hệ thống công nghệ thông tin. HTX số là thực hiện số hóa toàn bộ quy trình sản xuất, nghiệp vụ, khách hàng, chuỗi liên kết. Còn KTTT số chính là môi trường internet với các sàn TMĐT, mạng xã hội,.. Nếu kết hợp chuyển đổi số được trên cả 3 trụ cột này, khu vực KTTT, HTX sẽ hình thành được nhiều chuỗi giá trị hàng hóa hiệu quả thông qua chuyển đổi số.
Còn về phía HTX cũng cần chủ động, tích cực chuyển đổi số như đẩy mạnh số hóa thông tin khách hàng, sản phẩm, dịch vụ; tham gia truyền thông, quảng bá trên các mạng xã hội; tham gia gian hàng trên các sàn TMĐT (Kinh tế hợp tác (miễn phí), Shopee, Tiki, Lazada, Alibaba, Amazon,..).
Chiều ngày 18/5, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tập thể HTX khu vực miền Trung Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2022, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức Ngày hội xúc tiến thương mại và hội thi tiêu biểu khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2022. 87 HTX tham gia ngày hội xúc tiến thương mại và hội thi là những HTX tiêu biểu của 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung Tây Nguyên. Kết thúc ngày hội, ban tổ chức lựa chọn 5 HTX đoạt giải A, 10 HTX đạt giải B, 15 HTX đạt giải C, 20 giải khuyến khích. Những HTX tiêu biểu cũng là “những đóa hoa tươi thắm” nhất dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhân dịp ngày sinh lần thứ 132 của Người. |
Huyền Trang