Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở Tiểu Cần đang phát huy hiệu quả cao (Ảnh TL) |
Hiệu quả từ tái cơ cấu
Phú Cần là xã thuần nông, có diện tích tự nhiên hơn 2.362ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là trên 2.062ha. 5 năm qua, xã đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển đổi ngành nông nghiệp, tạo đà xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, mở hướng làm giàu cho nông dân, địa phương đã vận động, hỗ trợ các hộ sản xuất đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn những cây, con giống có năng suất, chất lượng và phù hợp với thị trường tiêu thụ để sản xuất.
Xã cũng hỗ trợ nông dân trên địa bàn chuyển đổi đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả, đến nay đã chuyển đổi được hơn 46ha, qua chuyển đổi, người dân có thu nhập tăng từ 1,5 - 2 lần, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bên cạnh đó, xã Phú Cần còn xác định lúa là cây trồng chủ lực để vận động nông dân tham gia hình thành cánh đồng lớn trên diện tích 300ha, với 356 hộ thuộc 2 ấp Cầu Tre và Đại Trường.
Mô hình này được ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, đồng thời thực hiện khâu liên kết chuỗi giá trị đầu vào, đầu ra cho sản phẩm lúa hàng hóa. Nhờ đó, lợi nhuận của các hộ trong mô hình tăng từ 3,5 triệu đồng lên 7,5 triệu đồng/ha/vụ.
Trong 5 năm qua, xã Phú Cần còn làm tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, phát động đăng ký lao động đi làm việc ở nước ngoài, các khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Xã khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển giải quyết lao động tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 54 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,38%.
HTX Phú Cần đang là điểm sáng trong liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả cao tại địa phương (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh liên kết bền vững
Bí thư chi bộ ấp Cầu Tre (xã Phú Cần), ông Kim Sa Thia cho biết để nâng cao hiệu quả, tạo đà vươn lên làm giàu cho người dân, ấp đã tập trung củng cố kiện toàn lại các tổ hợp tác sản xuất lúa, vận động nông dân tham gia HTX nông nghiệp Phú Cần để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa.
Hiện, ấp Cầu Tre đã thành lập được 9 tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao, với 236 thành viên, riêng vùng kênh bê tông nổi có 5 tổ hợp tác với 142 thành viên, sản xuất trên diện tích 110ha.
Các tổ hợp tác đang phối hợp với HTX nông nghiệp Phú Cần đầu tư vật tư đầu vào như lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hợp đồng với các công ty bao tiêu đầu ra lúa thương phẩm cho các thành viên HTX và nông dân trong mô hình cánh đồng lớn.
Từ năm 2015 đến nay, năng suất lúa trong mô hình không ngừng tăng từ 6 tấn lên 8 tấn, một số hộ đạt 9 - 10 tấn/ha. Mặt khác, người nông dân hiện đã chủ động áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa chất lượng cao và tham gia liên kết trong quá trình sản xuất ngày càng tốt hơn.
Đến nay, giá trị sản xuất trên một diện tích đất canh tác của xã Phú Cần đạt 121 triệu đồng/ha/năm. Mô hình đã giúp hàng trăm hộ sản xuất thoát nghèo, nhiều hộ phất lên làm giàu bền vững.
Trong rất nhiều điểm sáng, HTX nông nghiệp Phú Cần đang là điển hình trong liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao. Lúa là cây trồng chủ lực của HTX, nên các thành viên luôn chú trọng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị thương mại, tạo lợi thế khi đưa ra thị trường.
Hiện tại, với những thành công đang có, xã Phú Cần dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất, nhất là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, hiệu quả, bảo đảm tính bền vững.
Đồng thời, xã cũng sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ HTX nông nghiệp nâng cao vị thế, tăng thu nhập cho thành viên, nông dân.
Nhật Minh