Vượt qua nhiều khó khăn do dịch Covid-19 cũng như giá phân bón liên tục tăng, huyện Hồng Dân đã hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa trên đất tôm năm 2021 với trên 24.750 ha. Ở thời điểm hiện nay, giống lúa ST24, ST25 ngon nhất trong giai đoạn từ 40 – 70 ngày tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt.
Lúa - tôm ôm “hạn mặn”
Hồng Dân là địa phương có diện tích lúa - tôm “phình” ra nhanh nhất. Theo ghi nhận, năm 2020, thủy sản tăng trưởng tốt, chủ yếu là nuôi tôm sú, tôm càng xanh, xen canh cua, cá… với diện tích gần 26.000ha, tổng sản lượng đạt 44.000 tấn, tăng 11.600 tấn so với năm 2015. Diện tích luân canh lúa - tôm liên tục tăng, đem lại hiệu quả cao.
Với điều kiện sinh thái đặc thù đã giúp cho Hồng Dân hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cả con tôm và cây lúa. |
Ông Võ Minh Huy, Phó phòng NN&PTNT huyện đánh giá: Mô hình canh tác lúa - tôm ở Hồng Dân thích ứng hạn mặn, không chỉ đảm bảo sinh kế mà còn là giải pháp căn cơ giúp người dân “thuận thiên” tiến tới phát triển bền vững trong tương lai.
Vượt qua bất lợi của thiên nhiên, Hồng Dân đã áp dụng thành công tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả nền kinh tế nông nghiệp, thủy sản phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân qua 5 năm đạt 7,5%.
Cụ thể, để hướng dẫn bà con triển khai mô hình có hiệu quả, huyện đưa ra công thức như sau: Rút nước cạn để rửa mặn, bón vôi 200-500kg/ha tùy theo đất, xới trục làm thay đổi mặt đất giúp vôi phát huy tác dụng rửa mặn; đánh rãnh thoát nước, bón khoảng 1 tấn phân hữu cơ; bổ sung nấm rễ Mycorrhiza vào hai giai đoạn (lúc lúa 3-7 ngày, và 15-18 ngày sau sạ)…
Xuất phát điểm là nông dân nghèo, từ hai bàn tay trắng, bằng sự cần mẫn siêng năng và đi theo định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương, ông Diệp Văn Cọp (62 tuổi, ấp Bà Ai 2) đã có thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm.
Vụ này, toàn bộ 3ha của gia đình đều gieo sạ giống ST24, bởi năm trước làm 1ha thử nghiệm, lúa trúng mùa, lại bán được giá cao. Song song với sản xuất lúa, ông còn thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Cả tôm càng xanh và lúa đều đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ lại có một vụ mùa bội thu.
Theo ông Cọp, trồng lúa này có điểm cộng là ít sâu bệnh, giá bán cao (vụ Hè – Thu năm 2021 ông bán được 7.200 - 7.300 đồng/kg), tính ra mỗi sào ông lời 4 - 5 triệu đồng thay vì chỉ mức 2 - 3 triệu đồng như các giống OM18, Đài Thơm 8… trồng trước đây.
“Để tiếp sức cho nông dân sản xuất bền vững, thời gian qua, huyện đã liên tục đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ mô hình lúa - tôm. Hệ thống kênh cấp II, cấp III vượt cấp, thủy lợi, thủy nông nội đồng được nạo vét hàng năm; hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt, đê Xẻo Chích hoàn thành đảm bảo khép kín, chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn cho vùng tam giác Ninh Quới”, Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân cho biết.
Cùng với nguồn tôm sạch, Hồng Dân sẽ từng bước khẳng định mình để trở thành một trong những vùng trọng điểm sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu của tỉnh.
Mô hình canh tác nông nghiệp thông minh
Sau những năm triển khai mô hình sinh thái “con tôm ôm cây lúa” đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Từ khi thành lập (năm 2019) đến nay, HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A) đã phát huy được giá trị kinh tế bền vững từ mô hình này.
Hai vụ tôm, một vụ lúa kết hợp tại HTX Ba Đình đã phát huy giá trị kinh tế. Mô hình này có tới 3 con tôm, gồm: thẻ, sú, càng xanh ôm cây lúa. |
Anh Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX Ba Đình, cho biết: Với lợi thế được chỉ ra phù hợp để phát triển lúa ST, HTX vận động 80 thành viên tham gia mô hình 2 vụ tôm 1 vụ lúa. Trong đó, 8 tháng nuôi tôm và 4 tháng trồng lúa. Thông thường từ tháng 12 dương lịch bắt đầu thả tôm giống, đến tháng 8 năm sau cải tạo ao trồng lúa.
Ngoài ra, HTX Ba Đình còn thực hiện liên kết sản xuất với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho thành viên HTX và các hộ nông dân trong vùng.
Theo đánh giá của các thành viên HTX, lúa - tôm là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh ở HTX, bởi quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa, nhiều mầm bệnh gây hại tôm sẽ không sống được ở môi trường nước ngọt và ngược lại.
Sau vụ nuôi tôm, các chất thải của tôm sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ. Không chỉ vậy, sau khi thu hoạch lúa, một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa phân hủy, kích thích sự phát triển của sinh vật làm thức ăn cho tôm.
“Chính vì lợi ích kép này mà bà con canh tác lúa - tôm không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí cho phân bón, sản phẩm tạo ra thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe cộng đồng”, anh Thạch cho hay.
Đến nay, HTX Ba Đình đã liên hệ với một số doanh nghiệp sơ chế, cung ứng tôm đến các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Mô hình tôm lúa kết hợp giúp nông dân thu lợi nhuận khoảng từ 60 -100 triệu đồng/ha/năm.
Mặc dù, mô hình sản xuất lúa - tôm bước đầu đã tổ chức sản xuất theo chuỗi nhưng chưa bền vững. Chẳng hạn như, kết cấu hạ tầng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa - tôm sử dụng chung với hệ thống thủy lợi sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả và khó quản lý trong điều tiết nước ngọt, nước mặn…
Bên cạnh đó, mô hình lúa - tôm vùng này cũng đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhanh hơn dự báo, sự xâm nhập mặn sâu vào đất liền, mùa khô kéo dài, nắng nóng, mùa mưa ngắn, lượng mưa ít...
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn và chuyển giao khoa học - công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi tôm cải tạo ao đầm đúng quy trình kỹ thuật và thả giống đúng lịch thời vụ; tăng cường các biện pháp quản lý môi trường, chủ động phòng tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường...
Mai Ngọc