Hương Sơn - huyện miền núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh là địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi, trong đó điểm nhấn vẫn là hươu sao và các sản phẩm chế biến từ nhung hươu.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, với lợi thế có hơn 84.000 ha rừng đem lại nguồn phấn hoa dồi dào, Hương Sơn đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong ruồi lấy mật theo hướng chế biến sâu. Hướng đi này được đánh giá là phù hợp khi tạo việc làm cho người dân sống gần rừng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực biên giới Việt - Lào.
Liên kết để phát triển
Theo ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, nuôi ong trở thành nghề tiềm năng và lợi thế của địa phương, nhưng lâu nay việc tổ chức sản xuất chưa được bài bản, mang tính tự phát, đầu ra sản phẩm thả nổi tự do nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.
Phần nắp sáp ong sau khi được lấy ra khỏi tổ ong sẽ được đưa vào máy quay lấy mật. |
Những năm gần đây, huyện đã hỗ trợ các xã vốn và ứng dụng tiến bộ KHKT, nhờ đó nhiều THT và HTX nuôi ong đã ra đời và làm ăn có hiệu quả, giúp người dân xoá đói giảm nghèo bền vững.
Điển hình là mô hình THT nuôi ong tại xã Sơn Lĩnh, được thành lập tháng 8/2022 gồm 16 thành viên đều là các chị em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào mô hình THT, các thành viên được chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, nhờ đó mà kinh tế các thành viên ngày càng đi lên.
Hiện nay mỗi thành viên đã mở rộng quy mô đàn từ 5 - 17 đàn; sản lượng hàng năm của các thành viên đạt 1.800 - 2.000 lít. Trong năm nay, THT phấn đấu sản xuất từ 2.200 - 2.500 lít mật ong.
Chủ tịch UBND xã Sơn Lĩnh Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Việc thành lập THT nhằm giúp các hội viên phụ nữ ứng dụng tiến bộ của KHKT vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường; duy trì và phát triển bền vững mô hình tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập.
Tương tự tại Xã Quang Diệm là địa phương khá thuận lợi trong phát triển nuôi ong lấy mật, bởi có diện tích cây ăn quả và rừng khá lớn, các loại cây hoa màu được trồng đa dạng, nên ong có đủ nguồn thức ăn tạo mật.
Nghề nuôi ong ở đây dù đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu là tự phát, nuôi theo kiểu truyền thống và chưa được trang bị kỹ thuật bài bản nên năng suất, chất lượng chưa cao, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó. Để khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, xã đã vận động các hộ nuôi ong thành lập HTX, THT để hỗ trợ nhau trong sản xuất, khai thác và tiêu thụ.
Đầu tư ít lãi cao
Ông Hồ Văn Bình ở thôn Đồng Phú, xã Quang Diệm là một trong những hộ nuôi ong có truyền thống từ lâu. Tuy nhiên, trước đây gia đình chỉ nuôi nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm là chính, chủ yếu tự cung, tự cấp, hiệu quả kinh tế thấp.
Nuôi ong lấy mật trong thùng vuông và tổ ong làm bằng thân cây rỗng ruột. |
Ông Bình chia sẻ: "Tham gia vào THT chúng tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Thứ nhất là được học tập về kỹ thuật, có điều kiện tốt để các thành viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ trong quá trình nuôi ong, đặc biệt là hỗ trợ nhau trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định đầu ra sản phẩm. Nhờ đó mà hiệu quả kinh tế cũng ngày càng phát triển, các thành viên trong tổ rất phấn khởi".
Anh Bạch Văn Thắng cũng cho hay, những năm trước, gia đình anh nuôi ong theo kiểu ăn may, thiếu kỹ thuật chăm sóc. Sau khi lên kết với THT Tình Diệm, anh Thắng được hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc đàn ong “vượt đông”, tránh các vật chủ gây hại cho ong “chúa”.
"Thời gian nhạy cảm nhất rơi vào từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Giai đoạn này cây cối khô khốc, không có hoa, dịch bệnh nhiều và thường bị ong vò vẽ quấy phá nên cần bổ sung thêm phấn hoa hoặc bột đậu nành để đảm bảo thức ăn cho ong. Hay mùa Đông, tuyệt đối không được khai thác mật, phải phủ ấm và bổ sung đường cho đàn ong duy trì nhiệt độ, ủ ấm cho con non", anh Thắng cho biết kỹ thuật nuôi này được các thành viên trong THT chia sẻ cách đây gần một năm.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, nghề nuôi ong lấy mật là nghề “đầu tư ít lãi cao”, ưu điểm của nghề nuôi ong là chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp với địa hình rừng núi, nhiều cây cối, ít phải chăm sóc, thời gian nuôi đến khi thu hoạch ngắn nên người dân thu hồi vốn nhanh…
Theo tính toán của người nuôi ong Hương Sơn, bình quân suất đầu tư một đàn ong 3 cầu hết khoảng 800 ngàn đồng. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, lợi nhuận từ mật và bán ong giống đã đạt khoảng 3 – 3,2 triệu đồng/đàn.
Còn theo tính toán của ông Bình, hiện tại gia đình ông có 60 đàn ong, mỗi năm thu hoạch trên 8 tạ mật ong, thu nhập trên 120 triệu đồng. Đối với người nông dân sản xuất nông nghiệp đơn thuần thì nuôi ong đem lại kinh tế cao và ổn định.
Hiện tại, THT nuôi ong Tình Diệm có gần 600 đàn ong đang cho khai thác mật, hộ nhiều có tới 100 đàn, hộ ít cũng khoảng 30 đàn ong. Trước khi thu hoạch hoặc xuất bán, sản phẩm mật ong đều được THT kiểm tra kỹ lưỡng, trải qua khâu tinh lọc bằng hệ thống máy thủy phân nên chất lượng nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tiêu thụ dễ dàng.
Khuyến khích người dân tham gia vào THT, HTX
Nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đang là hướng đi hiệu quả tại địa phương, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Bạch Văn Thắng đang kiểm tra mật ong trước khi xuất ra thị trường tiêu thụ. |
Ông Lê Khánh Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Diệm cho biết: Được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, tạo điều kiện về tập huấn khoa học kỹ thuật, vay vốn cho các hộ dân tham gia nghề nuôi ong. Từ đó, bà con mạnh dạn đầu tư phát triển tăng đàn, chú trọng đến chất lượng mật.
Đặc biệt, trên địa bàn có HTX mật ong Cường Nga vừa thu mua sản phẩm cho bà con, vừa hỗ trợ trong việc tinh lọc, chiết xuất mật ong nguyên chất, đảm bảo an toàn và chất lượng cho các hộ nuôi ong. Hiện đang tiếp tục động viên bà con tham gia vào HTX, THT để phát triển nghề một cách thuận lợi và bền vững hơn.
Tham gia vào THT, ngoài việc được hỗ trợ về giống, vốn để phát triển đàn, các thành viên còn được tư vấn, chia sẻ kỹ thuật nuôi ong và các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật… Đồng thời, hướng dẫn quy trình làm thùng ong, cầu ong sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết của từng mùa để ong phát triển tốt, cho ra nhiều sản phẩm.
Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi ong an toàn với nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh, đàn ong của các THT, HTX phát triển ổn định, ít bị bệnh, số lượng đàn không ngừng tăng lên.
Từ hiệu quả của mô hình THT nuôi ong, huyện Hương Sơn đang tiếp tục động viên, khuyến khích nhân dân tham gia vào THT và thành lập các mô hình kinh tế tập thể khác phù hợp với từng vùng dân cư. Đồng thời, hỗ trợ phát triển thương hiệu mật ong địa phương để người nuôi ong yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập cao và bền vững.
Hoàng Hà